UBTVQH thảo luận về phòng chống tội phạm: Băn khoăn nạn “bảo kê”

Ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013.

Ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013.

        Chiếm đoạt tài sản, vốn ngân hàng gia tăng

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, năm 2013, tình hình tội phạm đã được kiềm chế. Nhiều loại tội phạm giảm, mặc dù hoạt động của các băng nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại, tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh, hoạt động chủ yếu dưới dạng xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá... Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tuy số vụ việc giảm, nhưng đã xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế khó khăn và ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thua lỗ, phá sản... góp phần làm cho loại tội phạm lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền vốn của ngân hàng có xu hướng gia tăng.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra trên cả tuyến đường không, đường bộ và đường biển. Tội phạm tham nhũng, nhất là tội phạm tham ô, môi giới, nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực như quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... Tội phạm môi trường nổi lên trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu là lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để đưa hàng vào Việt Nam, sau đó tháo dỡ niêm phong để tiêu thụ trong nước.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, điều đáng lưu ý là công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, dễ làm phát sinh tội phạm. Công tác phòng ngừa cũng còn nhiều hạn chế...

        “Sa tặc” lộng hành, lẽ nào bất lực?

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các mặt của đời sống, chưa có báo cáo về hoạt động của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển... Trong khi đó, báo cáo của Viện KSND tối cao chưa đánh giá toàn diện nguyên nhân tình hình vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế đang có chiều hướng gia tăng phức tạp.

Cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý đến một nguyên nhân quan trọng là một bộ phận cán bộ có chức có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê cho doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên môt số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc tội phạm đã được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, là bước chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Kim Khoa đánh giá, hoạt động của các cơ quan tư pháp “có đổi mới, chất lượng thực thi công vụ từng bước được nâng cao”. Song ông Khoa nhận định, tình hình an ninh - trật tự ở các thành phố lớn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc không được xử lý rốt ráo từ cơ sở mà phải chờ đợi sự hỗ trợ từ cấp trên. Ở một số cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. “Sa tặc lộng hành trên các dòng sông bao năm qua nhưng chúng ta chưa xử lý triệt để được. Lẽ nào bất lực trước những vi phạm lộ liễu như vậy?” - ông Khoa bức xúc.

Mặc dù cho rằng, các ngành tư pháp đã vào cuộc tích cực, khẩn trương, với trách nhiệm cao; công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm cũng đã có hiệu suất tốt hơn các năm trước, nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặc biệt lưu ý về một số loại tội phạm đang có diễn biến phức tạp như tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm ma túy... Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ các mặt còn hạn chế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Ông Ksor Phước thẳng thắn cho rằng, cần đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng công an, phải gắn bó với nhân dân hơn, thực sự lấy dân làm gốc. Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị Chính phủ làm rõ hơn kết quả của các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm...

        Trị nạn cho vay nặng lãi

Trước thực trạng gia tăng ngày càng nhiều các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi thông qua các hợp đồng dân sự mua bán nhà cửa, ruộng vườn để chiếm đoạt tài sản của người dân, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề xuất Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tố tụng thống nhất hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội cho vay nặng lãi. Về lâu dài, cần nghiên cứu, sửa đổi điều luật này. Theo đó, cần loại bỏ các yếu tố không phù hợp với thực tế như quy định tỷ lệ lãi suất trần quá cao, gấp 10 lần lãi suất cơ bản.

Ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Lãi suất cơ bản của chúng ta có khi lên tới 14% - 15%, mà gấp 10 lần lên nữa thì có nghĩa rất khó cấu thành tội phạm... Điều chỉnh khung pháp luật là bước đi quan trọng đầu tiên để nghiêm trị nạn cho vay nặng lãi”.

Viện KSND tối cao cũng đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề với chương trình tín dụng cho nông dân và hoạt động công chứng chuyển nhượng nhà ở nông thôn để có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của dân trục lợi bất chính.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục