Ngày 19-1, Bộ Ngoại giao Ukraine đăng tải thông cáo đề nghị Liên bang Nga ký lịch trình thực thi các thỏa thuận Minsk cũng như yêu cầu quân ly khai ngừng bắn từ ngày 19-1. Trước đó ông Poroshenko cũng đã bác bỏ kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tuần trước.
Kiev tổng tấn công bằng hỏa lực
Thông cáo tuyên bố: “Sự khởi đầu của việc thực thi thỏa thuận Minsk sẽ tạo các tiền đề cần thiết cho cuộc họp tham vấn của Nhóm tiếp xúc sắp diễn ra ở Astana”. Ukraine sẵn sàng tham gia các cuộc tham vấn của Nhóm tiếp xúc trên vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này từ chối đề xuất của Kiev về việc ký lộ trình rút vũ khí hạng nặng khỏi Donbass.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Kiev “không nên thay việc giảm tình hình căng thẳng ở miền Đông-Nam bằng lời lẽ khoa trương đối ngoại. Nếu Kiev thực sự sẵn sàng cùng với dân quân rút vũ khí hạng nặng theo các điều kiện quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ngày 19-9-2014 và được khẳng định trong văn kiện làm việc ngày 13-11-2014, nước này cần tiến hành ngay lập tức hành động trên thực địa. Hơn nữa, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã ký vào lộ trình được thống nhất này”.
Binh sĩ Ukraine chốt một con đường gần sân bay Donetsk.
Trước đó, sau khi bác bỏ kế hoạch hòa bình do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất (quân đội Ukraine cũng như lực lượng có vũ trang tại hai CH nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk phải đồng thời ngừng bắn, rút ngay các vũ khí hỏa lực ra khỏi vùng phi quân sự có bán kính 15km từ đường ranh giới giữa hai lực lượng) đêm 18-1, chiến dịch tấn công bằng hỏa lực tổng lực mới nhằm giành lại sân bay Donetsk - một vị trí có ý nghĩa biểu tượng cho cuộc giao tranh với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông-Nam Ukraine - đã diễn ra. Ukraine đã chiếm lại hầu hết khu vực sân bay Donetsk ở miền Đông từ tay quân nổi dậy và tuyên bố quân đội đã được lệnh nổ súng tổng lực vào lực lượng đòi độc lập tại miền Đông-Nam.
Hàng triệu người khốn khổ vì bạo lực
Trước những tuyên bố và hành động tăng cường tấn công, đáp trả tại Ukraine, LHQ và OSCE kêu gọi các bên xung đột tại nước này phải ngừng ngay việc leo thang bạo lực mới và trở lại bàn đàm phán. Ngày 19-1, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ mối lo ngại trước tình trạng gia tăng hành động quân sự mạnh tại khu vực sân bay Donetsk. Theo ông, động thái này có thể hoàn toàn phá vỡ quy chế ngừng bắn từng rất khó khăn mới đạt được hồi tháng 9-2014.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, bằng mọi giá phải tránh để tình hình xấu đi làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó các bên cần thực hiện mọi nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận Minsk và bước đi đầu tiên là “chấm dứt ngay và hoàn toàn mọi hành động quân sự”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống y tế tại Ukraine đang có nguy cơ sụp đổ và việc tiếp cận với dịch vụ y tế trở nên khó khăn hơn đối với những người dân sống trong các khu vực chiến sự. Có hơn 5,1 triệu người đang cần sự giúp đỡ trong bối cảnh bạo lực leo thang tại miền Đông Ukraine. Trong số này có 1,4 triệu người dễ bị tổn thương và cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Cùng ngày, tại Vienna (Áo), Chủ tịch OSCE đồng thời là Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cũng ra tuyên bố đặc biệt kêu gọi các bên xung đột tại Ukraine chấm dứt hành động leo thang mới và trở lại bàn đàm phán. Ông cũng chỉ trích gay gắt việc sử dụng vũ lực, kêu gọi các bên kiềm chế và phấn đấu cho một quy chế ngừng bắn bền vững.
Chỉ hơn một tháng sau khi ký thỏa thuận hòa bình, miền Đông Ukraine lại đứng trước nguy cơ một cuộc giao tranh tổng lực mới. Sự leo thang quân sự của quân đội Ukraine làm dấy lên quan ngại đe dọa các cuộc đàm phán hòa bình chuẩn bị được nối lại.
HẠNH CHI (tổng hợp)