
Cách đây một năm, vào các khu tái định cư cho đồng bào Cơ tu ở thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) bằng ôtô hay xe máy là điều không tưởng. Còn bây giờ, rong ruổi trên đường Hồ Chí Minh bằng xe máy, ngoằn ngoèo, lên xuống đèo dốc rồi cũng tới được ba khu tái định cư cho người Cơ tu ở các bản Pachepalang, Cut Chrum, A Lua...
Cái nghèo của quá khứ
Những ngày này khi lên với thủy điện A Vương, chúng tôi tận mắt thấy đồng bào Cơ tu rất vui nhưng cũng tận mắt nhìn thấy cái đói đã từng bao vây hộ dân ở đây. Người ta kể rằng cái đói bám đeo từ lâu lắm rồi, lâu không ai nhớ nỗi, lâu đến thành quen. May thay, một cơ may đến với đồng bào là được Ban quản lý thủy điện 3 tái định cư cho họ ở vùng đất mới rất chu đáo. Ai cũng vui. Trước khi nói về chuyện vui, đồng bào kéo ghì vạt áo tôi kể những tháng ngày khốn khó sắp đi qua.

Một góc khu tái định cư cho đồng bào Cơ tu ở thủy điện A Vương.
Những mảnh nhà vắt vẻo bên nương bên suối, nhà không ra nhà. Trong nhà chỉ vài cái chõng, chiếc chăn cũ rách, bếp lửa cháy cô đơn bên những cái nồi trống huơ hoác. Bà con ở đây mang nặng nỗi lo thiếu đói. Rất nhiều ngành, nhiều cấp đến đây giúp đỡ, nhưng mọi sự hướng dẫn đều như gió ngàn thổi qua bản nghèo, đọng lại vẫn là thói quen săn bắn trên rừng. Gạo viện trợ, có thì hay, không thì thôi, đồng bào Cơ tu đã quen với cái khổ. Cái đói không làm họ khiếp sợ, cái đói cứ đến, ai chịu được thì sống, ai không chịu được thì về với đất đai.
A Lăng Tăm nói, bản ông, nhà giàu nhất có khoảng vài chục ngàn đồng. Hỏi không có tiền thì làm sao sống? Ông nói không có tiền thì cũng vậy thôi, lấy mô ra tiền. Để cưới được vợ, nhà trai kiếm đủ một vài trăm ngàn đi lễ, đó là tài sản quá lớn, người ta phải tiết kiệm cả năm trời. Nhiều trẻ em vẫn được đến lớp học, nhưng học tới đâu chữ rơi tới đó. Học xong một lớp, hè đến lên rừng kiếm sống, chữ rơi hết trên rừng, lại mù chữ.
Nhìn các chị, các cô trong bản xơ xác vì đói, vì gian khó, tôi lại không mấy tin vào báo cáo đã xóa được mù chữ cho họ. Cũng có thể là đã mở nhiều lớp xóa mù chữ ở đây, nhưng xóa xong thì chữ lại rơi hết vào nương rẫy, vào khe suối, cái ăn còn chưa có thì cái chữ ở trong đầu được bao lâu. 296 hộ Cơ tu trong diện tái định cư sống trong tình thế vậy. May mà...
Cán bộ điện có tấm lòng sáng
Nhưng bây giờ đã có luồng sinh khí mới với đồng bào Cơ tu ở A Vương khi Ban quản lý thủy điện 3 đầu tư hơn 130 tỷ đồng để tái định cư cho đồng bào. Một dự án nhiều tiền và triệt để. Triệt để đến mức đồng bào Cơ tu đã nhìn ra được tương lai không còn xám xịt như mấy năm qua và hàng chục năm trước nữa.
Với số tiền đó, Ban quản lý thủy điện 3 làm đường vào các khu tái định cư Cơ tu, kéo điện, xây trường học, trạm y tế, tổ chức sản xuất... tất cả cũng vì mục đích làm thay đổi bộ mặt của đồng bào sau khi tái định cư để cuộc sống của họ dần ổn định, tự lo được, tự sống được, không phải chịu cảnh đói kém triền miên trong rừng thẳm. Phải có đường thì các dự án cho đồng bào tiếp theo đó mới thực hiện được. Đó là cái lý an dân của những người làm tái định cư ở Ban quản lý thủy điện 3. Mai này khi toàn bộ đồng bào Cơ tu ở A Vương ổn định thì một tương lai no ấm với đồng bào là hiện thực.
Rưng rưng trước sự chu đáo của ban quản lý mà người trực tiếp phụ trách tái định cư là anh Tôn Thất Hòa, ông A Lăng Ấn ở thôn A Zàng nghẹn ngào: “Cán bộ điện có tấm lòng sáng quá. Già biết mà. Già sống khổ mấy chục năm trong thung lũng A Vương này đâu thấy ai chu đáo như thế đâu. Cán bộ điện làm nhà cho đồng bào mà hỏi đồng bào kỹ lắm, hỏi đồng bào ưng cái gì, cần cái gì để cán bộ làm thì già chưa thấy bao giờ. Sống thăm thẳm trên núi cả đời, nay chiều nào già cũng ra khu tái định cư bên suối Biêu Liêu coi nhà mới, già đi có con cái đi theo, ai cũng vui mà. Già đi mà tưởng tượng mai này từng tốp bà con bước sải chân trên con đường rộng mới làm, khỏi phải trèo dốc, lội suối nữa, thiệt mát lòng”.
“Ưng cái bụng, sướng cái mắt”
Quả thật tôi đã đến nhiều khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên dọc dài đường Hồ Chí Minh, nhưng không nơi nào bà con lại háo hức ngày về nhà mới như đồng bào Cơ tu ở thủy điện A Vương. Nhà nhà háo hức, người người háo hức. Đầu tháng 7 này, mọi người được dọn về nhà mới, căn nhà khang trang hơn những túp nhà trong rừng thẳm.
Anh Tôn Thất Hòa phụ trách tái định cư cho đồng bào Cơ tu ở thủy điện A Vương vồn vã: “Nói thiệt, chưa bao giờ mình cảm thấy hãnh diện khi tái định cư thành công như bây giờ. Chiều nào đồng bào cũng lũ lượt kéo nhau trong rừng ra khu tái định cư xem mặt nhà mới. Đồng bào ra xem, có cái gì chưa đồng ý là nói ngay, chúng tôi tiếp nhận triệt để, từng li từng tí, lo định cư không chỉ phần con người mà còn lo chăm bẵm cả văn hóa, cội nguồn đồng bào. Mình chịu khó lắng nghe đồng bào, rứa là họ thích”.
Theo ý của người “cầm đằng chuôi”, tôi đi xác minh với đồng bào. Một không khí vui tươi bao trùm, từ già làng đến đứa trẻ biết đi đều rất thích nơi Ban quản lý thủy điện 3 chọn làm khu tái định cư cho họ. Già làng A Lăng Un ở thôn A Zàng sau này về khu tái định cư Pachepalang sôi nổi nói: “Mình thích cái bụng, ưng cái mắt lắm thôi. Bao nhiêu đời trước thất thểu trên cái nương, mong đủ ăn mà không được. Nhà nước giúp nhiều nhưng vì sống xa xôi trong rừng nên chưa khi nào cười tròn được miệng. Chừ có ngôi nhà đúng truyền thống lại văn minh thì thích đáo để…”.
Như đến hồi cao trào, A Lăng Oóc, cán bộ địa chính xã Macooih, ngồi cạnh nói xen vào: “Bây chừ, nhường đất lại cho thủy điện, được cán bộ điện lo điện, lo nhà, lo phân, giống, có chợ, lại có khu vui chơi thể thao, nhà trẻ. Đặc biệt cán bộ điện còn xây nhà cho thầy cô giáo ở xa để dạy con em đồng bào thì cái chữ Bác Hồ sẽ được học nhiều hơn. Học được chữ thì có tri thức để đổi đời. Thế là đồng bào mình như tái sinh cán bộ ơi!”.
Trước khi về, già làng A Lăng Un vẫn còn tiết lộ: “Mỗi hộ dân di dời mồ mả được hỗ trợ 400.000 đồng, hỗ trợ mỗi thôn đến khu tái định cư một con trâu hơn 5 triệu đồng để cúng tế theo phong tục đồng bào. Hỗ trợ giống cây trồng cho đồng bào mỗi hộ 500.000 ngàn đồng với một con bò, xây nhà Gươl cho đồng bào, rồi nhiều thứ nữa không kể hết được...”.
NAM DƯƠNG