Ứng cử viên phải kê khai tài sản

Từ ngày 1-9-2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) - gọi tắt là Luật Bầu cử - có hiệu lực. Kế thừa và phát triển các quy định từ Luật bầu cử trước đây, đồng thời sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Hiến pháp mới năm 2013, Luật Bầu cử khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử. Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TPHCM) thông tin cụ thể:
Ứng cử viên phải kê khai tài sản

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Từ ngày 1-9-2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) - gọi tắt là Luật Bầu cử - có hiệu lực. Kế thừa và phát triển các quy định từ Luật bầu cử trước đây, đồng thời sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Hiến pháp mới năm 2013, Luật Bầu cử khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử. Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TPHCM) thông tin cụ thể:

Ngày bầu cử vẫn là ngày chủ nhật, tuy nhiên phải được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (thay cho quy định trước đây là 105 ngày). Về cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu QH, đại biểu HĐND, Luật Bầu cử năm 2015 quy định phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ; đồng thời danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm ít nhất 35% là nữ.

* PV:
Xin bà cho biết quy định về ứng cử có điểm gì mới so với trước đây?

* Bà TRẦN VIỆT THÁI: Theo quy định tại Điều 35 Luật Bầu cử, hồ sơ ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND được nộp chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, thay vì 65 ngày như trước đây. Đặc biệt, trong hồ sơ ứng cử, ngoài đơn ứng cử; sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; tiểu sử tóm tắt còn phải có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thêm một điểm cần lưu ý là công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ, nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu QH thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm ĐB HĐND ở một cấp.

Cử tri quận 3 tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII (Ảnh: Việt Dũng)

* Trước đây, những người bị tạm giam, tạm giữ không nằm trong danh sách cử tri. Theo quy định mới thì sao, thưa bà?

- Khoản 5 Điều 29 Luật Bầu cử có quy định: Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là điểm mới của Luật Bầu cử.

Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, họ được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

* Luật Bầu cử có quy định những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử?

* Điều 68 Luật Bầu cử quy định trong vận động bầu cử, người ứng cử không được thực hiện những việc sau: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Điều 95 Luật Bầu cử cũng quy định nếu người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Cả nước hiện có 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Xin bà cho biết việc chuyển tiếp đối với những địa phương này như thế nào?

* Từ năm 2016, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cấp địa phương sẽ gồm HĐND và UBND, như vậy sẽ chấm dứt thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Ở những địa phương đã thí điểm thì vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức này cho đến khi bầu được chính quyền địa phương mới.

Tại Điều 96 Luật Bầu cử có quy định riêng cho các địa phương này như sau: Trong việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND huyện, quận, phường quy định tại các Điều 4, 9 và 51 của Luật Bầu cử trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của UBND huyện, quận, phường có liên quan.

* Xin cảm ơn bà!

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục