
- Đề nghị dành 25% số tiền gói kích cầu cho làng nghề
Vài tháng nay các làng nghề và ngành nghề nông thôn gặp khó khăn, việc sản xuất bị suy giảm, có làng nghề suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến kinh tế VN và bộ phận bị tác động nặng nhất là các doanh nghiệp làng nghề.
Làng nghề chồng chất khó khăn

Chế biến sản phẩm tại Làng nghề cá sấu Sài Gòn (quận 12). Ảnh: Đ.P.
Hiện cả nước có khoảng 2.700 làng nghề với 11 triệu lao động. Trong đó, 60% doanh nghiệp hoạt động cầm cự, 20% hoạt động thoi thóp. Nếu tình hình tiếp tục xấu, tình trạng mất việc hàng loạt sẽ diễn ra trên diện rộng ở các làng nghề, dự báo có thể lên đến 50%, tức khoảng 5 triệu lao động…
Theo tỉnh Đồng Nai, sản xuất gốm và đồ gỗ đang rơi vào tình trạng suy sụp nghiêm trọng. Ngành gốm có thể “chết” thật sự do không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Ngành gỗ cũng rơi vào cuộc khủng hoảng trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Một số DN gỗ phá sản hoặc có DN nợ ngân hàng 20 - 30 tỷ đồng.
Tại Bến Tre, nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng, tiêu biểu là làng nghề chỉ xơ dừa giảm trên 50% hoạt động khiến hàng ngàn lao động mất việc làm. Ở Tây Ninh hiện có khoảng 5.000/20.000 lao động làng nghề, chiếm 1/4 lao động làng nghề nông thôn mất việc, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Riêng tại Đồng Tháp, hai làng nghề nổi tiếng ĐBSCL là đan lát lục bình và chiếu lác đang trên đà xuống dốc. Trong khi đó, ngay cả TPHCM, những làng nghề lớn như cá sấu, hoa kiểng cũng bị đe dọa thu hẹp.
Theo bà Tô Từ Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TPHCM), ngoài làng nghề bánh tráng vẫn còn sung sức, những làng nghề khác đều đi xuống, số lao động tham gia sản xuất giảm mạnh, trong đó làng nghề đan đệm Tân Thạnh Tây, sơn mài ở Hòa Phú giảm trên 95%.
Làng nghề quận 12, cũng giảm trên 50% lao động. Trong khi đó, dù không chịu tác động nhưng làng nghề cá sấu Sài Gòn (quận 12) lại chịu một sức ép lớn, đó là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu da cá sấu đạt chất lượng để chế biến thành các sản phẩm riêng xuất khẩu.
Ông Tôn Thất Hưng, trong ban lãnh đạo làng nghề cho rằng, cần khoảng 5 tỷ đồng ứng cứu, để doanh nghiệp vay và đầu tư lại cho bà con. Vì hiện nay cá sấu thương phẩm khá nhiều, nhưng lại không đạt về chất lượng, phải đầu tư lại chuồng trại nhằm nâng cao chất lượng da trước khi chế biến.
2 nút thắt - thị trường và vốn
Phát biểu tại buổi họp với lãnh đạo các tỉnh phía Nam về khó khăn của làng nghề, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, làng nghề và ngành nghề nông thôn là khu vực kinh tế quan trọng, nơi tạo việc làm chỉ đứng sau sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần phải có hành động cấp bách vì mục tiêu cuối cùng là tạo việc làm cho người dân. Không nên phân biệt trách nhiệm của bộ nào mà phải xem đây là trách nhiệm chung của Chính phủ trước bà con.
Hiện nay, việc giải quyết trực tiếp các vấn đề của làng nghề có tới 2 bộ là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Địa phương, các cấp, ngành cần phát huy cao nhất trách nhiệm để triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ. Trước hết cần nhanh chóng tháo gỡ tối đa những gì thuộc thẩm quyền. Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ mọi kiến nghị của doanh nghiệp và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi với làng nghề, đặc biệt trong vấn đề vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay, kiến nghị Chính phủ dành 25% số tiền trong gói kích cầu ưu tiên hỗ trợ làng nghề và doanh nghiệp nông thôn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, khó nhất và cấp bách nhất của các doanh nghiệp làng nghề là thị trường. Hiện nay, nhiều sản phẩm sản xuất ra nhưng không bán được, hàng chứa đầy kho. Vì vậy, cần tổ chức ngay các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó trước mắt là tổ chức 2 hội chợ tại TPHCM và Hà Nội nhằm giới thiệu và tiếp cận thị trường trong nước.
Khó khăn kế đến là vốn vay, dù chính sách đã có nhưng như phản ánh của các doanh nghiệp làng nghề, việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, dù thiếu vốn vay, nhưng làng nghề lại không dám vay vì thua lỗ kéo dài.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ có phương án dành lượng tiền lớn để triển khai kích cầu kinh tế, vì thế các địa phương cũng phải thông tin nhanh cho các doanh nghiệp, làng nghề biết phải liên hệ ở đâu, với ai để tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ này. Trước mắt, các địa phương làm ngay dự án cần hỗ trợ cho các làng nghề từ nguồn vốn ưu đãi 4.000 tỷ đồng để giải quyết ngay những khó khăn.
Sau các biện pháp cấp bách, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác bàn đến các biện pháp căn cơ và lâu dài hơn để vực dậy các làng nghề.
Công Phiên