Bộ NN-PTNT dự kiến xây dựng các mô hình trình diễn một số giống bắp biến đổi gen trong quý I và II năm 2014 tại 6 tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, với quy mô 1,5 - 2ha giống/mô hình. Đó là tín hiệu vui khi biết rằng mỗi năm nước ta phải mất hàng tỷ USD nhập khẩu bắp và đậu tương làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó đa phần là sản phẩm từ cây biến đổi gen (GMO).
Chưa cho trồng, lại nhập khẩu
GMO có nhiều ưu điểm nổi bật như cảnh báo sâu bệnh sớm, thiệt hại ít, năng suất cao, có tính chịu hạn, chịu mặn, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt... Chính vì vậy, GMO được đưa vào sản xuất 15 năm nay, tại 28 quốc gia trên thế giới. Hiện diện tích GMO đã đạt trên 170 triệu ha và bình quân mỗi năm diện tích canh tác tăng 11%. Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đầu tư nghiên cứu và khảo nghiệm từ năm 2006. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc đưa GMO vào sản xuất gặp không ít khó khăn, nhất là ý kiến trái chiều từ các nhà khoa học do lo ngại mất an toàn đối với sức khỏe con người.
Trong khi đó, dù biết đến là nước nông nghiệp với sản lượng xuất khẩu lúa gạo đạt 6,68 triệu tấn (năm 2013), đứng thứ 3 thế giới nhưng các mặt hàng nông sản khác như bắp, đậu tương, cải dầu… vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn để đảm bảo nhu cầu trong nước. Cụ thể, năm 2013 chúng ta nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khoảng 3 tỷ USD, nhiều hơn 50 triệu USD so với xuất khẩu gạo của cả năm. Riêng tháng đầu tiên của năm 2014, cả nước nhập khẩu 580.000 tấn bắp, tăng hơn 5 lần so với tháng 1-2013. “Đáng nói, khoảng 90% nguồn nhập khẩu bắp của Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Brasil, Argentina, Mỹ, Ấn Độ - những nước có diện tích trồng cây GMO lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhiều sản phẩm chế biến khác như: sữa đậu nành, dầu thực vật, nước tương... đều sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ công nghệ biến đổi gen”, TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM khẳng định.
Ý kiến này cũng tương đồng với kết quả từ đề tài nghiên cứu “Khảo sát sự có mặt của GMO trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường TPHCM” (do Sở Khoa học - công nghệ TPHCM và Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện vào năm 2010). Theo đó, 111/323 mẫu sản phẩm như khoai tây, bắp, đậu nành... được lấy ngẫu nhiên từ 17 chợ và siêu thị trên địa bàn TPHCM, khi kiểm nghiệm đã cho kết quả có biến đổi gen. Như vậy, dù không công bố trên nhãn mác, bao bì, nhưng các sản phẩm nông sản biến đổi gen đã hiện diện trong từng bữa cơm của dân.
Chọn lựa giải pháp nào?
Tại hội nghị về cây trồng biến đổi gen, GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, từng dẫn chứng diện tích đậu nành ở nước ta hiện chỉ khoảng 200ha và không thể tăng thêm nữa. Bên cạnh đó, với điều kiện ngập nước tại ĐBSCL và khô hạn tại các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, giống đậu nành hiện tại không thích hợp được. Muốn giảm nhập tiến tới không nhập đậu nành và các nông sản khác, chỉ có tăng năng suất và phát triển giống chịu được các điều kiện kể trên. Thực tế, chỉ có GMO nói riêng và công nghệ sinh học nói chung mới giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay khá chậm.
TS Nguyễn Quốc Bình cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 sự lựa chọn. Thứ nhất, tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp dựa vào thuốc trừ sâu hóa học, đồng thời đối phó với tình trạng nhiễm độc từ dư lượng thuốc trừ sâu. Thứ hai, quay trở về với phương pháp cũ, sử dụng phân bón hữu cơ và chấp nhận năng suất thấp. Thứ 3, áp dụng công nghệ sinh học và biến đổi gen. Theo tính toán, hiện Việt Nam sản xuất được khoảng 4 triệu tấn bắp mỗi năm. Đến năm 2015, nhu cầu này sẽ lên đến 8 triệu tấn. Trong khi đó, nếu áp dụng bắp biến đổi gen, mỗi một hécta sẽ có giá trị nhiều hơn bắp thường từ 100 - 200 USD. Với diện tích chừng 1 triệu ha như hiện nay, nông dân đáng lẽ đã thu lợi từ 100 - 200 triệu USD mỗi năm. “Hàng trăm triệu người đã và đang dùng thực phẩm biến đổi gen trong hàng chục năm qua và chưa ghi nhận gây hại cho sức khỏe. Hầu như tất cả nghiên cứu khoa học về thực phẩm biến đổi gen đều khẳng định tính an toàn của công nghệ này. Đối với Việt Nam, càng chần chừ, càng mất tiền tỷ để nhập khẩu nông sản bổ sung”, TS Bình lý giải.
Tuy nhiên, TS Bình và các nhà nông học của Trường Đại học Nông lâm TPHCM vẫn chú ý, để sớm đưa GMO vào sản xuất đại trà, việc khảo nghiệm chỉ nên đánh giá kỹ chất lượng giống và sản lượng thực tế trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Kế đó, trong giai đoạn đầu, cần quy hoạch từng khu vực cụ thể để dễ quản lý dòng chảy gen (nếu có). Cuối cùng, truyền thông rộng rãi về ưu điểm của GMO, tránh để thiếu thông tin, gây hiểu lầm về GMO trong nhân dân khi sản phẩm này đưa vào sản xuất quy mô lớn.
Năm 2011, Bộ NN-PTNT đã cấp phép khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen cho 3 công ty, gồm: Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH Dekald Việt Nam và Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam. Kết quả khảo nghiệm cho thấy các giống bắp có năng suất cao hơn 30% so với giống bắp thường. Năm 2013, Bộ NN-PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống bắp biến đổi gen để trình Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép an toàn sinh học. Dự kiến, phải tới năm 2015, bắp biến đổi gen mới được đưa vào trồng đại trà. |
TƯỜNG HÂN