Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin (CNTT) truyền thông châu Á - châu Đại Dương 2014 (ASOCIO ICT Summit 2014) sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 28 đến 31-10 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Với chủ đề “CNTT - Phương thức phát triển mới kinh tế - xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”, nội dung đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tái cấu trúc nông nghiệp được đánh giá là thời sự nhất của diễn đàn năm nay.
Đẩy mạnh ứng dụng
Theo các chuyên gia, đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng CNTT mới chỉ ở mức đặt vấn đề. TS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết các dự án ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn vì khả năng sử dụng CNTT của nông dân còn hạn chế. Vì vậy, nếu chỉ làm dự án CNTT thuần túy thì rất khó thành công, cần phải gắn nó với giải quyết các vấn đề xã hội thực tế. Hiện nay, thời cơ của Việt Nam đã chín muồi để đẩy mạnh việc này.
“Chúng ta đã có hạ tầng tốt, cáp quang kéo về tận xã và hầu như người nông dân nào cũng có điện thoại di động. Để đem CNTT ứng dụng thành công vào nông nghiệp, cần hội tụ đủ 5 yếu tố: Giúp người nông dân có thể biết truy cập, sử dụng máy tính, điện thoại di động; Đảm bảo hạ tầng tốt; Xây dựng được hệ thống thông tin nông nghiệp; Đào tạo cho người dân biết khai thác hệ thống thông tin; Các ứng dụng phục vụ nông nghiệp phải có sự liên thông giữa các bộ, ngành” - TS Nguyễn Ái Việt nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thế giới, đưa CNTT thành nền tảng của phương thức phát triển mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp và nông thôn. Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng hoạt động ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn kém. Nếu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thì năng suất và hiệu quả của ngành này sẽ tốt hơn, kéo theo sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thực tế, tại Việt Nam đã có những chương trình ứng dụng CNTT trong nuôi bò sữa hay trồng rừng, gắn chip để theo dõi sức khỏe và sản xuất sữa của bò hay sự phát triển của cây... Tuy nhiên ứng dụng này chưa phổ biến. Một số nghiên cứu cho rằng, hiện nay năng suất lao động về mặt nông nghiệp trên 1ha đất của Việt Nam đang thấp hơn Lào, Campuchia và chỉ bằng 1% so với Israel. Vì vậy, tại ASOCIO ICT Summit 2014 sẽ đưa ra những câu chuyện thực tiễn và kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel để Việt Nam tham khảo, học tập.
Hiện Chính phủ cũng đang tính toán đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành nông nghiệp. Cách nay nửa năm, Chính phủ đã giao cho một số cơ quan liên quan chuẩn bị chương trình cho kế hoạch này và nhiều chuyên gia trong ngành được huy động để tư vấn cho chương trình quan trọng này.
Mô hình cần nhân rộng
GS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Chương trình xây dựng Nông thôn mới, cho rằng quan điểm, nhận thức về CNTT còn chưa đạt được sự nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với những công nghệ khác. Nếu áp dụng CNTT vào sản xuất - phân phối sản phẩm nông nghiệp một cách hệ thống, đúng hướng, thì những thành tựu thu được là rất lớn trên nhiều mặt chứ không chỉ là gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hay tăng năng suất lao động.
Trước hết, CNTT sẽ giúp cung cấp thông tin cho bà con nông dân, tuyên truyền sâu rộng nhất về chính sách của Đảng và Nhà nước, giới thiệu với người nông dân về các tiến bộ KH-CN có thể lựa chọn để áp dụng, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Với thông tin từ Internet, kết quả mùa vụ được phân tích và trích xuất thành các báo cáo hiển thị trực quan, người nông dân có thể lựa chọn được phương án canh tác hiệu quả. Thông qua các hệ thống dự báo, họ có thể biết được tình hình sâu bệnh trong hiện tại và dự kiến diễn biến sắp tới, biết được thời tiết và những chỉ số quan trọng khác. Đặc biệt, đối với hàng nông sản xuất khẩu, nhờ CNTT, người nông dân có thể nắm thông tin về thị trường nông sản thế giới, giúp họ chủ động từ khâu sản xuất đến việc giao thương với bên ngoài.
GS-TS Nguyễn Tuấn Anh đưa ra 2 mô hình cụ thể. Đầu tiên, một số địa phương ở ĐBSCL hiện đang sử dụng hệ thống thông tin địa lý - viễn thám quản lý sản xuất lúa của Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Với việc áp dụng này, người ta có thể theo dõi được tiến độ xuống giống, tiến độ thu hoạch, cơ cấu giống trên các cánh đồng, tình hình sâu bệnh, biết được biến động diện tích lúa qua từng vụ, từng năm, có được thông tin dự báo về năng suất lúa trên các cánh đồng… Thứ hai là mô hình dự báo về sâu bệnh trên lúa và rau màu cũng của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đang được triển khai có hiệu quả ở một số tỉnh miền Bắc, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng.
“Từ thành công của hai mô hình này tôi nghĩ rằng, CNTT nếu được phát triển và ứng dụng một cách đồng bộ, hệ thống sẽ đem lại hiệu quả lớn cho sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới” - GS-TS Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
TRẦN LƯU