Ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước - Nơi làm, nơi không

Mỗi năm, TPHCM chi gần 100 tỷ đồng cho các sở ngành, quận huyện xây dựng chính quyền điện tử. Cùng một khoản kinh phí như nhau, cùng các chương trình triển khai ứng dụng như nhau nhưng có nơi lại làm được, nơi không. Vì sao?
Ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước - Nơi làm, nơi không

Mỗi năm, TPHCM chi gần 100 tỷ đồng cho các sở ngành, quận huyện xây dựng chính quyền điện tử. Cùng một khoản kinh phí như nhau, cùng các chương trình triển khai ứng dụng như nhau nhưng có nơi lại làm được, nơi không. Vì sao?

  • Điểm mới ở website sở là… lịch làm việc

Nhấp chuột vào website (www.sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn) của Sở LĐTB-XH TPHCM, cho thấy: sự tương tác với người dân còn rất hạn chế, người dân không được hỗ trợ các dịch vụ công qua mạng. Dù đã bước sang giữa tháng 4-2013 nhưng trang chủ website vẫn chủ yếu là các thông tin từ năm 2012 với nội dung nghèo nàn về một số chính sách chăm lo cho người dân và các vấn đề xã hội khác. Ở mục thông tin tuyển dụng lao động việc làm lại là những tin được đưa lên gần nhất vào đầu năm 2012 về nội dung tuyển dụng từ… tháng 1-2007 hay tháng 2-2008! Phần trao đổi, hỏi đáp về các chính sách thiết thân đến đời sống người dân cũng rất lỗi thời, không được cập nhật từ hơn một năm trở lại đây.

Trong khi nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như quỹ tín dụng nhỏ cho người nghèo rất đa dạng, phong phú nhưng mục hướng dẫn thủ tục liên quan đến xóa đói giảm nghèo trên website của sở chỉ có duy nhất phần hướng dẫn thủ tục vay vốn giải quyết việc làm của Quỹ Quốc gia về việc làm (Quỹ 71). Người dân không hề tìm thấy các hướng dẫn thủ tục vay vốn ở các quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất (Quỹ 156)... Phần thủ tục về lĩnh vực đào tạo nghề chỉ đơn điệu có hai hướng dẫn về bổ sung hoạt động dạy nghề và đăng ký hoạt động dạy nghề!

Thông tin quá cũ, không giúp ích cho người dân.

Thông tin quá cũ, không giúp ích cho người dân.

Đặc biệt, khi người dân vào phần “Dịch vụ công” thì các dịch vụ đăng ký sử dụng lao động và cấp sổ lao động, đăng ký làm thêm giờ, đăng ký về thang lương đều… không có dữ liệu! Với kiểu khai thác và sử dụng website như Sở LĐTB-XH TP thì thông tin thường xuyên nhất được cập nhật hàng tuần chỉ là… lịch làm việc của sở!

Trong phần “Thủ tục hành chính” ở trang web của sở ngành, quận huyện cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Cùng về thủ tục cấp phép xây dựng mới nhà ở riêng lẻ, quận 12 chỉ có vài dòng hướng dẫn đơn giản; các quận 2, 8 hướng dẫn khá hơn; và chi tiết, rõ ràng nhất là quận 11, ngoài các thông tin cơ bản như các quận khác, quận 11 còn lưu ý người dân từng trường hợp cụ thể. Có nơi thì viện dẫn điều luật hoặc đính kèm biểu mẫu đơn từ để người dân dễ tham khảo, sử dụng còn có nơi thì không. Nhìn chung, trong khi các nơi giải thích đơn điệu, khó hiểu thì nổi bật nhất là cách giải thích thủ tục như Phòng công chứng số 1 rất khoa học và sát sườn, người dân dễ dàng nhận biết và làm theo.

  • Lời cam kết

Hiện nay đa số website dừng ở mức công bố thủ tục hành chính, tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ và công khai tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hẹn; rất ít trường hợp người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp phép, đăng ký qua mạng, nhất là được cấp phép qua mạng (dịch vụ công mức độ 4) thì càng hiếm hoi. “Quý khách hàng có thể đăng ký một số thủ tục hồ sơ vào bất kỳ nơi đâu và thời gian nào thông qua dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin - Truyền thông. Quý vị không cần phải nộp hồ sơ giấy tại sở, đồng thời kết quả xử lý hồ sơ (giấy chấp thuận) cũng được cung cấp cho quý khách hàng thông qua tài khoản tại website của sở và email mà quý vị đã đăng ký” - sự phục vụ như thế này cần sớm được nhân rộng với các sở ngành, quận huyện để cho thấy thực chất hiệu quả của ứng dụng CNTT phục vụ người dân.

Dịch vụ công trên website của Sở LĐTB-XH trắng xóa, không có gì.

Dịch vụ công trên website của Sở LĐTB-XH trắng xóa, không có gì.

Nguồn kinh phí “rót” về các đơn vị như nhau, chương trình ứng dụng triển khai giống nhau nhưng có nơi lại làm tốt, nơi làm chưa được. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho rằng, hiệu quả ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước phụ thuộc đến 70% vào vai trò người đứng đầu đơn vị. Thực tế cho thấy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nào quan tâm đến lĩnh vực này thì hoạt động ứng dụng CNTT tại những nơi đó kết quả rất tích cực, và ngược lại…

Trước thực tế này, sắp tới đây, dưới sự chứng kiến của Thường trực UBND TP, lãnh đạo từng sở ngành, quận huyện - tùy đặc thù, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình - sẽ phải ký cam kết với lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông về các nội dung phải ứng dụng CNTT tại đơn vị mình trong năm 2013. Đơn cử, Sở GTVT sẽ cam kết thực hiện cung cấp thông tin “Một cửa điện tử”; triển khai ứng dụng GIS trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP; ứng dụng phần mềm mô phỏng trong thiết kế và quản lý giao thông đô thị; hệ thống giải quyết ùn tắc giao thông; một cửa điện tử và dịch vụ công cấp 3; hoàn chỉnh các cơ sở dữ liệu nền liên quan đến lĩnh vực quản lý hạ tầng đô thị… Đối với quận - huyện, sẽ cam kết thực hiện hệ thống phần mềm hồ sơ hành chính; hệ thống phần mềm đất đai - xây dựng; hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, kinh tế, quản lý đô thị, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng…

“Khi các bên cùng cam kết thực hiện đúng yêu cầu và tiến độ công việc đề ra chắc chắn hiệu quả ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước sẽ được tiến lên một bước, đồng bộ hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định. 

VÂN ANH – MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục