Hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH-CN là một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến năng suất, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để thực hiện đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại TPHCM, cần xác định đây là quá trình liên tục và cần sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, các nguồn lực và nhân lực thực hiện...
Hướng tới nền kinh tế tri thức
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TPHCM chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với ngành, nghề đa dạng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá trình độ công nghệ trên 400 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn TP cho thấy chỉ có 13% doanh nghiệp đạt mức trình độ công nghệ từ trung bình khá trở lên và tỷ lệ đạt mức yếu chiếm đến 51% mặc dù tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ nói chung (chủ yếu là máy móc thiết bị) trung bình hàng năm của doanh nghiệp tại TPHCM đạt 11% so với tổng doanh thu, gần tương đương với các nước trong khu vực.
Qua đây thấy rõ, doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò và sự kết hợp của các thành phần công nghệ (thiết bị, nhân lực, thông tin, quản lý) trong sản xuất với sức ép cạnh tranh; do hạn chế về năng lực công nghệ tại doanh nghiệp khiến giảm thiểu khả năng thích nghi, cải tiến và sáng tạo công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, năng lực quản lý sản xuất…
Tuy nhiên, từ đây cũng mở ra một thị trường công nghệ đầy tiềm năng cho TP, nơi hội tụ đầy đủ mọi thành phần cung, cầu và môi giới công nghệ.
Với thực tế này, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho rằng, đây cũng chính là bài toán cần phải giải quyết cấp bách khi TP định hướng phát triển trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và công nghệ lớn, có tính đột phá của cả nước: tập trung chủ yếu vào nghiên cứu ứng dụng, phát triển thị trường công nghệ; hoạt động KH-CN xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của kinh tế - xã hội, tác động mạnh mẽ vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức.
Chiến lược dài hơi
Nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết nói trên và còn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp chủ động xúc tiến hoạt động đổi mới công nghệ, Sở KH-CN TPHCM đã chủ trì triển khai chương trình “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TP” kể từ cuối năm 2008 đến nay.
|
Qua quá trình thực hiện, Sở KH-CN đã tư vấn Quỹ Phát triển KH-CN TPHCM cho trên 3.200 lượt doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP và Hiệp hội Doanh nghiệp TP); hướng dẫn và tư vấn thủ tục vay vốn cho trên 40 lượt doanh nghiệp; trong đó 20 doanh nghiệp đã trình dự án vay vốn/tài trợ.
Đến nay, đã có 6 dự án được phê duyệt với số vốn cho vay trên 26 tỷ đồng...
Song song đó đã xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia công nghệ và cộng tác viên (theo 4 lĩnh vực công nghiệp ưu tiên và các nhu cầu của doanh nghiệp); đồng thời nối kết các cơ sở dữ liệu chuyên gia, dịch vụ thông tin KH-CN, thông tin tài chính (Quỹ Phát triển KHCN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa)...
Với những kết quả ban đầu, ông Phan Minh Tân cho rằng chương trình sẽ được tiếp tục được duy trì và song hành cùng các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn TP trong giai đoạn 2011 – 2015. Sẽ thực hiện theo hướng tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ (về nhân lực, hệ thống quản lý, thông tin, máy móc thiết bị) và đẩy mạnh hoạt động tư vấn đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới cho doanh nghiệp… theo hình thức hợp tác công – tư.
Chú ý các hoạt động hỗ trợ liên quan đến tài chính - tín dụng, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động thực hiện đổi mới công nghệ. Xúc tiến hoạt động chuyển giao công nghệ; tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ tiên tiến… Đây là một chiến lược dài hơi, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành liên quan và đặc biệt là doanh nghiệp.
BÁ TÂN