(SGGP).- Ngày 28-4 tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị giao ban với các tỉnh ĐBSCL về công tác ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập.
Theo báo cáo, vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, các tỉnh ĐBSCL có tổng diện tích thiệt hại là 96.369ha, trong đó 42.100ha thiệt hại trên 70% năng suất. Vụ lúa hè thu có diện tích thiệt hại 8.133ha, trong đó 6.439ha thiệt hại trên 70% năng suất. Tổng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 9.427ha, với khoảng 258.000 cây giống bị thiệt hại, chủ yếu ở tỉnh Bến Tre. Về nước sinh hoạt, đến nay có khoảng 225.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó nặng nhất là tỉnh Bến Tre với 86.200 hộ, Sóc Trăng 43.000 hộ, Kiên Giang 25.000 hộ.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng nhu cầu hỗ trợ đối với nước sạch trong vùng hiện nay khoảng 330 tỷ đồng. Về nuôi trồng thủy sản, do độ mặn tăng cao, có khoảng 2.000ha nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại tại các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu. Một số địa phương đã chủ động ứng trước vốn dự phòng, sử dụng kinh phí địa phương để triển khai các giải pháp như đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền. Các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang đã thực hiện giải pháp đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt rất hiệu quả. Tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hệ thống thuyền bơm công suất 32.000m3/giờ để bơm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công và tổ chức bơm chuyền 2 đến 3 cấp tại nhiều vị trí. Tỉnh Bến Tre đã triển khai phương án chuyển nước ngọt bằng sà lan cho các vùng thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các phương án cấp nước, tổ chức các điểm cấp nước công cộng miễn phí và hỗ trợ máy lọc nước đến các hộ ở các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, dự báo tình hình hạn, mặn sẽ diễn biến phức tạp trong những tháng tới, với dự báo nền nhiệt cao hơn, mưa đến muộn hơn. Do vậy, các địa phương cần bám sát diễn biến, đặc biệt là dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn và của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam để làm cơ sở cho cơ cấu mùa vụ cũng như các giải pháp kỹ thuật đối với trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã chủ động có những giải pháp ứng phó với hạn, mặn thời gian qua, bước đầu ứng phó có hiệu quả với tình trạng này. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các địa phương cần có các giải pháp cụ thể để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiệm vụ trước mắt là ưu tiên bảo đảm đời sống cho người dân, hỗ trợ người dân có đời sống ổn định, không để bất kỳ người dân nào đói hay thiếu nước sinh hoạt.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN-MT sớm cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, mặn xâm nhập để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý và đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung điều chỉnh các quy hoạch, xây dựng các quy hoạch mới, trong đó có quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch ngành, quy hoạch thủy lợi, đặc biệt là những quy hoạch trước đây đã được thực hiện nhưng ít quan tâm đến biến đổi khí hậu.
HÀM LUÔNG - NGỌC CHÁNH