Thời gian gần đây, tại TPHCM, mật độ tổ chức các hội thảo, tọa đàm về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương khá dày đặc. Mục đích chính của các sự kiện nhằm phân tích, đánh giá tác động, thách thức và cơ hội từ TPP, FTA; làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế Việt Nam thích ứng tốt nhất khi thực thi các cam kết. Điều đáng lo ngại là số lượng DN quan tâm đến hội nhập còn quá ít so với các nước trong khu vực.
Chỉ 35% lượng hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ FTA
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), mới chỉ có 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Điều này cũng đồng nghĩa, có tới 65% lượng hàng hóa còn lại vẫn phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi), cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0% - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.
Thực phẩm khô được chế biến từ gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của các nước ASEAN Ảnh: THU QUẾ
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, một trong những lý do chính khiến DN chưa tận dụng được các ưu đãi từ FTA là chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0% - 5% mà các FTA mang lại. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ trong TPP. Với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP, những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN, nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.
Tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư 2016 do Hiệp hội DN TPHCM và Hiệp hội DN các nước tại TPHCM tổ chức mới đây, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết TPP có hiệu lực sẽ tạo sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia mà ngay tại thị trường trong nước. Do đó, các DN không vươn lên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng đến đâu còn phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng DN. Nếu DN không chủ động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ thì sẽ bị lùi lại.
Còn nhiều cái khó
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TPHCM, TPP đặt ra những yêu cầu riêng cho từng thị trường rất phức tạp, nhiều quy định đòi hỏi DN phải đáp ứng mới có thể được hưởng lợi ích. Trong khi đó, DN Việt Nam còn đang rất thiếu thông tin về TPP, khả năng tiếp cận thị trường cũng còn hạn chế.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, lo lắng việc trong khi Việt Nam mới có 9% DN tìm hiểu tương đối kỹ về TPP thì các DN nước ngoài đã ồ ạt tràn vào Việt Nam để chuẩn bị cho việc hưởng lợi từ TPP. Điển hình như Thái Lan. Tính đến tháng 2-2016, Thái Lan đã đầu tư khoảng 7,88 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 2.000 DN Thái Lan đăng ký qua Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam để đầu tư vào Việt Nam. Ông Quốc cho rằng, dù TPP chưa thể có hiệu lực trong một, hai năm tới đây, tuy nhiên khoảng thời gian vài ba năm cũng không phải là dài để các DN chuẩn bị.
Trong khi các DN nước ngoài đã sẵn sàng cho cuộc đổ bộ thì DN trong nước không chỉ hiểu lơ mơ, mà còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Trần Dương Ngân Hà, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty TNHH Sản xuất, chế biến thủy hải sản và thương mại Thanh Phát, cái khó của DN sản xuất sản phẩm truyền thống là thiếu đầu tư vốn cho quy mô sản xuất. Hiện 1 năm công ty chỉ có thể đầu tư quảng bá thương hiệu từ 2 - 3 lần nên mức độ đưa thương hiệu, thông tin đến người tiêu dùng chưa nhiều. Đây là điểm yếu không chỉ của Thanh Phát mà còn của rất nhiều DN nhỏ tại Việt Nam và nguy cơ thua ngay trên sân nhà sẽ xảy ra nếu DN không khắc phục được.
Đại diện Công ty cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh cho hay đơn vị đã phải nhập khẩu gần 30% phụ tùng lắp ráp xe sơmi rơmoóc từ nước ngoài, vì trong nước không có ai sản xuất được. Phần lớn phụ tùng được nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ bằng 1/3 so với nhập khẩu từ Thái Lan, Singapore. Do đó, khi tham gia TPP, công ty sẽ không thể sử dụng phụ tùng Trung Quốc để xuất khẩu và lợi thế mà TPP mang lại sẽ không còn. Theo Công ty Tân Thanh, vẫn còn vài năm nữa TPP mới chính thức có hiệu lực nên Nhà nước có thể hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng nhiều cách như đầu tư vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm lãi vay…
TPP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn đến các quốc gia thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Thách thức và cơ hội đã được chỉ rõ, thế nhưng ở trong nước, công tác thông tin tuyên truyền và nhất là khâu chuẩn bị hội nhập TPP cho DN dường như mới bắt đầu. Các DN - lực lượng chính trực tiếp tham gia thực hiện các quy định của TPP - chưa quan tâm, hoặc là thờ ơ đón nhận, còn số ít DN thì tự mình lên kế hoạch chuẩn bị tham gia. Theo Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM Trần Ngọc Liêm, để hội nhập tốt kinh tế quốc tế, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị chính sách phù hợp để thực hiện chứ không thể để DN tự bơi.
Số liệu khảo sát sự hiểu biết của các DN về TPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM thực hiện năm 2015 cho thấy, có tới 91% số DN còn biết quá ít về TPP (20% DN chưa từng nghe về TPP, 45% DN có nghe nhưng không hiểu sâu, 26% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ). Chỉ có 9% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ TPP. Cũng nội dung này, khi VCCI khảo sát tại các tỉnh, thành khác, mức độ hiểu biết của DN còn thấp hơn nhiều so với TPHCM. Dường như FTA chỉ được sự quan tâm của các cơ quan chính phủ và các cơ quan… không tham gia vào hoạt động thương mại.
THÁI NGUYỆT