Ung thư - nỗi lo hàng ngày

Mỗi ngày, cả nước có gần 300 người chết vì bệnh ung thư và trung bình mỗi năm là hơn 9 vạn người phải “ra đi” vì căn bệnh quái ác này. Đáng lo ngại hơn khi số người mắc và tử vong do căn bệnh ung thư đang tiếp tục gia tăng nhanh... Đây là những thông tin được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ung thư - nỗi lo hàng ngày

Mỗi ngày, cả nước có gần 300 người chết vì bệnh ung thư và trung bình mỗi năm là hơn 9 vạn người phải “ra đi” vì căn bệnh quái ác này. Đáng lo ngại hơn khi số người mắc và tử vong do căn bệnh ung thư đang tiếp tục gia tăng nhanh... Đây là những thông tin được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư vừa diễn ra tại Hà Nội.

Quá tải bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: T.L

Rõ ràng căn bệnh ung thư đang hiển hiện hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống và trở thành nỗi lo lắng, hoang mang rất lớn trong cộng đồng xã hội khi đi tới đâu cũng thấy nói tới người mắc và chết vì ung thư. Thực tế, Việt Nam không còn đối mặt mà đang chịu gánh nặng rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội do ung thư gây ra. Các nghiên cứu và điều tra cho thấy, nếu như năm 2000 trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 68.000 người mắc mới ung thư thì hiện nay con số này đã tăng lên từ 130.000 - 150.000 ca mắc mới và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 người vào năm 2020. Đặc biệt, các bệnh ung thư đều có xu hướng tăng cao nhất là với nam giới như: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng, hạch, máu, tuyến tiền liệt. Số người mắc ung thư tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc số ca tử vong do căn bệnh nan y này cũng tăng nhanh chóng, trung bình hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 người tử vong vì ung thư. Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư hiện nay đều có xu hướng gia tăng ở phần lớn các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam trước sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc ung thư, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam trong tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới. Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người.

Đáng chú ý, các nghiên cứu cũng cho thấy, việc điều trị chữa khỏi bệnh ung thư ở nước ta mới chỉ đạt hiệu quả khoảng 30%, nghĩa là cứ 10 người mắc bệnh chỉ có 3 người sống sót. Nguyên nhân của thực trạng này là do phần lớn người mắc ung thư ở nước ta được phát hiện bệnh rất muộn. PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Bộ Y tế cho biết, với sự phát triển của y học hiện nay, phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế hiện có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên là quá muộn. Đây là lý do vì sao số ca tử vong do ung thư ở Việt Nam cao hơn các nước vì ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn, hiệu quả vô cùng hạn chế. 

Có nhiều nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong do ung thư gia tăng không ngừng ở nước ta, trong đó đáng lo ngại nhất chính là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm khủng khiếp và lạm dụng rượu bia, thuốc lá tràn lan. Đáng báo động là khi ung thư cũng đồng nghĩa với gánh nặng về kinh tế, chi phí điều trị và thuốc men. Thống kê cho thấy, tổng chi phí cho việc điều trị các loại bệnh ung thư phổ biến là: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chỉ rõ, mỗi bệnh nhân ung thư phải bỏ ra không dưới 200 triệu đồng cho chi phí đều trị trực tiếp và gián tiếp và có tới 35% số bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc điều tri sau một năm phát hiện bệnh. Vì thế, nhiều gia đình khá giả nhưng khi có người thân trong gia đình bị ung thư thì dần rơi vào tình trạng nghèo khó, còn với những gia đình có thu nhập trung bình thì nhanh chóng khánh kiệt.


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục