Ứng viên Anh hùng lao động

Ứng viên Anh hùng lao động

Một thời chưa xa, người dân nơi vùng sâu Bến Tre vẫn ngân nga câu hát ru nghe não nuột: “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi… Khó đi mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi…”. Câu hát ru chất chứa niềm khát khao này cứ làm ông Hai Y nặng lòng khi thấy quê mình đi đâu cũng gặp sông rạch nhưng lại thiếu cầu đường cho dân đi.

Ứng viên Anh hùng lao động ảnh 1

Ông Trịnh Văn Y trong ngày khánh thành cầu Lộ Cũ (xã An Thuận, Thạnh Phú), cầu nông thôn thứ 666 do Hội KHKTCĐ-BT vận động xây dựng. Ảnh: P.L.H.H.

1- Ông Trịnh Văn Y (Hai Y) năm nay đã bước vào tuổi 68, cái tuổi đề huề con cháu, vui thú điền viên, nhưng ông vẫn xăng xái đi khắp mọi nơi trong tỉnh Bến Tre lo vận động xây cầu, đường cho các xã vùng sâu.

Với ông Hai Y, nơi nào heo hút nhất trên dãy đất ba cù lao Bến Tre có lẽ ông đều đến, biết đến thuộc làu. Ông cũng nhớ rõ độ ngắn, độ dài của từng con rạch, dòng sông. Gặp ông, tôi hỏi: “Anh Hai về hưu đã mấy năm rồi?”. “Lụi hụi mà đã 8 năm”. Ông đã nghỉ hưu 8 năm nhưng với tôi, tôi thấy ông như chẳng nghỉ ngày nào.

Vẫn chất giọng mộc mạc mà nhiệt tình, ông Hai Y nói, 10 năm ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (1991-2001), lại phụ trách khối nông-lâm-thủy sản, nên ông rất gắn bó với nông thôn Bến Tre và hiểu được những trăn trở của người dân ở đây. Một trong những bức xúc ở nông thôn Bến Tre trước đây và ngay cả hiện nay, đó là vấn đề giao thông đi lại.

Giao thông trắc trở đâu chỉ là hàng rào vô hình ngăn bước em cháu chúng ta đến trường; khó khăn, thấp thỏm khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu… ; mà bức thiết nữa là vấn đề giao lưu hàng hóa của nông dân sản xuất tại vùng sâu. Làm ra được sản phẩm đã khó, thế rồi không bán được sản phẩm chỉ vì đường sá đi lại trắc trở. Điều này đau lắm! Đó là chưa nói đến bao trở ngại khác khi những vùng sâu trong tỉnh chưa có những nhịp cầu, những con đường nông thôn nối liền đến các xóm ấp.

Quả vậy, khi ông còn đương nhiệm, qua cuốn sổ ghi chép luôn để kè kè bên ông cho thấy, nông thôn Bến Tre có trên 1.500 cây cầu khỉ cần thay thế bằng cầu bê tông. Mảng sông rạch trên ba dãy cù lao Bến Tre thật chằng chịt, có nơi cắt chẻ như bàn cờ, mà ở đó ngày xưa người ta vẫn ngân nga câu hát ru nghe não nuột: “Ầu ơi… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Niềm khát khao đến những chiếc cầu nối đôi bờ vui ấy cứ thế mà ẩn hiện, thôi thúc trong đầu ông Hai Y.

Cuối năm 2001, ông Trịnh Văn Y cùng Sở Giao thông Vận tải Bến Tre làm đơn xin thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre (Hội KHKTCĐ - BT). Sau đó không lâu, Hội KHKTCĐ - BT được thành lập với gần 200 hội viên, 50% hội viên có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng và ông được bầu làm chủ tịch hội.

Lúc này, ở phía Nam, ngoài TP Hồ Chí Minh, chỉ tỉnh Bến Tre là nơi có Hội KHKTCĐ. Theo điều lệ, hội viên là những người tự nguyện đóng góp trí tuệ, vận động kinh phí để kết hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng cầu đường nông thôn, hội phí mỗi năm là 60.000 đồng.

“Làm cầu đường là chuyện to tát vậy mà mỗi hội viên chỉ đóng hội phí 60.000 đồng/năm, tôi nghĩ, chỉ việc lo cho bộ máy của hội vận hành đều đặn cũng khó, sao cáng đáng nổi?” - tôi hỏi ông Hai Y.

Ông giải thích: “Cái lớn được nhiều nhất là sự đóng góp trí tuệ của họ. Để hội hoạt động “có hồn”, bền vững, hội xin thành lập Trung tâm Tư vấn KHKTCĐ trực thuộc hội. Trung tâm Tư vấn KHKTCĐ là nơi tập họp những người có trình độ chuyên môn cao trong xây dựng cầu đường, trong và ngoài tỉnh, để lập dự án, tư vấn, vẽ thiết kế, đồng thời dự đấu thầu các công trình xây dựng cầu đường ở tỉnh. Hàng năm, nguồn thu từ trung tâm luôn ở mức vài tỷ đồng… Còn với các công trình cầu, đường nông thôn sẽ kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm tài trợ, khi vẽ thiết kế, trung tâm chỉ làm từ thiện”.

Hơn 6 năm qua, để có tiền xây cầu cho dân nghèo, chính ông Hai Y là người lập đề án rồi đi vận động, xin tiền từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh, các cá nhân, tổ chức từ thiện xã hội ở nước ngoài. Trong đó, đáng kể nhất là ông Hai Y mời được ông Tây người Thụy Sĩ Toni Ruttimann đến Bến Tre hào hiệp giúp xây 40 cầu cáp treo với trị giá 12,2 tỷ đồng.

Gặp nhau, lần nào tôi cũng gợi chuyện: Với địa bàn sông nước chằng chịt như Bến Tre, làm cầu rồi lại làm cầu, làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong, phải không anh Hai (?). Không ngờ, lần này ông lộ rõ niềm vui: từ năm 2003 đến giữa tháng 9-2008, Hội KHKTCĐ–BT và chi hội tại các huyện đã vận động được số tiền trên 55 tỷ đồng để xây dựng cầu, đường ở nông thôn Bến Tre.

Đến nay, hội phối hợp với các địa phương xây dựng 666 cây cầu với tổng chiều dài trên 13.000m; góp sức cùng tỉnh nhà xóa thêm 624 cây cầu khỉ, cầu xuống cấp và xóa 42 bến đò ngang không an toàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ. Về đường nông thôn, đã hoàn thành tổng cộng 65km đường bê tông xi măng. Qua đó phục vụ cho 121.720 hộ dân với 516.880 người đi lại, giao lưu mua bán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2- Ông Hai Y xúc động: “Tỉnh Bến Tre rất cám ơn ông Toni Ruttimann, nhà từ thiện người Thụy Sĩ, đã nhiệt tình vận động các mạnh thường quân tại Thụy Sĩ, Argentina, Italia, Mexico, Hoa Kỳ… giúp vật tư, dây cáp, thép ống…; các em thiếu nhi Thụy Sĩ góp tiền tiết kiệm để xây cầu từ thiện cho Bến Tre”.

Bằng tấm lòng của ông Toni Ruttimann và bạn bè của ông thích làm việc nghĩa cho người nghèo, thời gian qua đã xây trên 200 cầu cáp treo trên khắp thế giới: Ecuado 105 cầu, Colombia 14, Honduras 34, Mexico 29, Campuchia 35 và tại Việt Nam là 48 cầu. Trong đó riêng tỉnh Bến Tre được hỗ trợ xây dựng đến 40 cầu cáp treo.

Ông Toni Ruttimann có phong cách làm việc thật năng động, chí tình và nhất là luôn luôn đúng giờ. Về Bến Tre xây cầu giúp dân nghèo, ông Toni Ruttimann vẫn thích chạy xe đạp, đạp khắp đến những vùng sâu heo hút của Bến Tre. Khi đi mua thêm vật liệu để xây cầu cáp treo, ông trả giá từng cái bù lon, con tán. Sau khi đã hoàn thành 40 cầu cáp treo tại Bến Tre (2006), đầu năm 2008, ông Toni Ruttimann lại tiếp tục giúp Bến Tre 17 tấn ống thép để xây thêm cầu treo tại nông thôn.

Số ống thép trên ông Toni Ruttimann vận động từ bạn bè ở Italia rồi chở qua Bến Tre, đủ để làm trụ đóng, trụ néo cho 8 cây cầu, mỗi cầu dài trên dưới 60m. Ngoài ra, ông Toni Rutimann còn giúp thêm một khối lượng lớn sắt U và sắt V để làm cầu.

Bên cạnh tấm lòng hào hiệp của ông Toni Ruttimann, trong hai năm 2005-2006, Hội KHKTCĐ-BT đã tranh thủ với Quỹ Schmitz (CHLB Đức) góp phần hỗ trợ giúp Bến Tre xây dựng được 20 cây cầu bê tông cốt thép với bình quân mỗi cầu trị giá 25 triệu đồng.

Từ kết quả trên, Hội KHKTCĐ-BT lập dự án gởi đến Bộ Hợp tác kinh tế liên bang và phát triển CHLB Đức và Quỹ Schmitz xin được tiếp tục hỗ trợ xây cầu nông thôn. Đầu năm 2007, Dự án VIE115/5/12 được ký kết. Với dự án này, trong hai năm 2007-2008, Quỹ Schmitz giúp Bến Tre xây 137 cây cầu bê tông cốt thép với số tiền hỗ trợ là 348.390 euro.

Cồn Lợi (ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, Thạnh Phú) là một ốc đảo nằm sát biển Đông với 1.100 người dân sinh sống. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, vào mùa mưa bão, người dân luôn nơm nớp lo sợ vì khi bão ập đến sẽ không kịp chạy vào đất liền, bởi từ Cồn Lợi vào đất liền phải qua rạch Doi Đước rộng hơn 50m.

Giữa tháng 8-2008, niềm khát khao vô vàn về một chiếc cầu của người dân ở đây đã trở thành hiện thực. Qua vận động của Hội KHKTCĐ-BT, Ngân hàng Công thương Việt Nam hỗ trợ 398 triệu đồng, địa phương đóng góp thêm trên 100 triệu đồng để xây cầu bê tông Cồn Lợi. Cầu dài 70m, cầu đã khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 này.

Giúp sức với Bến Tre xây cầu nông thôn còn có nhiều chùa. Còn nhớ, hôm Hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa (Phú Nhuận, TPHCM), đến huyện Mỏ Cày dự lễ khánh thành một cầu bê tông do nhà chùa hỗ trợ, hòa thượng nói với tôi: “Không có tích đức nào cho bằng “tu kiều, bồi lộ”. Ông Hai Y là người tập hợp được những tấm lòng nhân ái…”.

3- Chỉ trong 6 năm, Hội KHKTCĐ-BT đã vận động được ngần ấy số tiền, xây dựng nhanh chóng ngần ấy số cầu, đường nông thôn Bến Tre, cho thấy hội đã gây dựng được nhiều uy tín đối với các nhà tài trợ, người làm từ thiện.

Để tạo tin tưởng đối với nhà tài trợ, ông Hai Y cho biết “cách làm” của hội như sau: Trên cơ sở đề nghị của từng địa phương có nhu cầu xây dựng cầu, đường nông thôn, hội xem xét giao nhiệm vụ cho Trung tâm Tư vấn KHKTCĐ phối hợp với địa phương khảo sát và tiến hành lập hồ sơ thiết kế - dự toán cho từng công trình cầu, đường cụ thể.

Sau khi lập xong hồ sơ thiết kế - dự toán, hội kết hợp với địa phương đến gặp gỡ từng tổ chức, cá nhân vận động và gởi hồ sơ thiết kế - dự toán để nhờ hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình. Số tiền hội đề nghị tối đa bao giờ cũng khoảng 3/4 so dự toán công trình, phần còn lại do địa phương vận động nhân dân đóng góp để nâng tính cộng đồng trách nhiệm.

Mỗi chiếc cầu, đoạn đường thực hiện xong, đều có bảng lưu niệm ghi tên nhà tài trợ được đặt ở một vị trí trân trọng ngay sát công trình. Với cách làm rạch ròi, minh bạch, thiết thực như trên, Hội KHKTCĐ-BT đã được các tổ chức, cá nhân làm từ thiện tín nhiệm và hỗ trợ ngày càng nhiều.

Bước đầu thành công nhờ tập hợp nhân tài, làm tư vấn xây dựng cầu, đường, vận động nguồn vốn thiện nguyện để xây dựng cầu, đường nông thôn, Hội KHKTCĐ-BT được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả xã hội cao trong cả nước. Vì thế, thời gian gần đây, ông Hai Y được trung ương Hội KHKTCĐ Việt Nam liên tiếp mời đi báo cáo về hoạt động của hội để nhiều tỉnh, thành làm theo...

Năm 2005, cá nhân ông Trịnh Văn Y được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng hai và giờ đây, đường đến danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của ông không còn xa nữa.

Phan Lữ Hoàng Hà

Tin cùng chuyên mục