Ứng xử với kinh doanh trên nền tảng công nghệ

 
Việt Nam là quốc gia tiếp thu và hưởng ứng các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới rất nhanh chóng. Có thể dẫn chứng: trong 2 năm gần đây, người tiêu dùng Việt đã quá quen với mô hình bán hàng trên Facebook, các shop online trên Facebook phát triển thần tốc; không chỉ chụp ảnh giới thiệu hàng, giờ là live stream để bán hàng, quay live để giới thiệu phòng trà; tư vấn và bán... đủ thứ! Thông qua Facebook, người bán và người mua có thể tiếp cận trực tiếp trong vài giây, 24/24 giờ, giao dịch thanh toán nhanh chóng - một ưu thế mà mua bán truyền thống không thể có. 

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Uber, Grab mới đây cũng là chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội. Điều đáng quan tâm là đại bộ phận người tiêu dùng và cộng đồng mạng lại lên tiếng bảo vệ Uber,  Grab và chê… taxi truyền thống đủ kiểu! Đơn giản là vì từ khi có Grab, Uber, người dân có thể đi lại với giá rẻ hơn taxi hay xe ôm truyền thống đến 40% chi phí! Tương tự, lượng người tiêu dùng Việt sử dụng các dịch vụ đặt phòng qua mạng khi du lịch cũng tăng trưởng nhanh chóng. Việt Nam hiện có đến 8 kênh đặt phòng trực tuyến chuyên nghiệp, từ Agoda, Booking.com, Mytour, Chudu, Ivivu, Yesgo, HotelQuickly.
Nhờ cạnh tranh, du khách Việt có thể đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ trong và ngoài nước với mức giá tốt chưa từng có. Riêng kênh Airbnb, đã có khá nhiều người dân Việt chọn để hợp tác theo chiều ngược lại, đó là cho khách quốc tế thuê phòng, thuê căn hộ linh hoạt thay vì phải thông qua các văn phòng bất động sản.
 
Trên lĩnh vực tài chính, năm 2004, Việt Nam chỉ có 3 ngân hàng có Internet banking, nhưng từ năm 2016, hoạt động này phủ khắp hệ thống ngân hàng Việt. Doanh nghiệp và người dân có thể ngồi tại nhà kiểm tra tài khoản; chuyển tiền, giao dịch thanh toán qua điện thoại, máy tính chỉ trong vài phút, thay vì phải ra ngân hàng xếp hàng chờ đợi. 
Không cần mơ đến giấc mơ 4.0 trên lĩnh vực dịch vụ, bởi các hoạt động dịch vụ ứng dụng công nghệ mới đã du nhập và phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam. Trong lúc bạn đang “alo” hay nhắn tin cho bạn bè miễn phí trên Viber, Zalo, Facetime hay Messenger, thì các nhà mạng “đau đầu” vì thất thu nghiêm trọng doanh thu từ cước phí di động? Và họ đang cố gỡ gạc lại bằng những gói cước 3G, 4G, cùng các dịch vụ truyền hình cáp, Internet cáp quang…  Chúng ta cũng chưa thấy bà con tiểu thương chợ truyền thống lên tiếng đòi dẹp shop Facebook, ngược lại các quầy hàng ở chợ cũng lặng lẽ mở một góc nhỏ trên Facebook để… cạnh tranh.   

Bà con tiểu thương và rất nhiều doanh nghiệp đã chọn cách tương thích và tận dụng công nghệ để buôn bán; còn các cơ quan quản lý, sẽ chọn phương thức nào? Trở lại với cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia cũng lúng túng khi chọn loại hình pháp lý để quản lý Uber, Grab; có nơi xem đây là taxi công nghệ nghĩa là phải đóng thuế theo phương thức kinh doanh vận tải. Có nơi xem đây là kinh doanh công nghệ kết nối và thu thuế trên nhà cung cấp công nghệ lẫn các đối tác tham gia vận tải. Vấn đề là Uber hoạt động ở Việt Nam đã gần 4 năm, Grab gần 2 năm, nhưng phương thức quản lý thế nào vẫn chưa có. Chúng ta đang quản lý kiểu chữa cháy, nghĩa là nổi lên vấn đề gì mới chạy theo xử lý vấn đề đó, trong khi loại hình kinh doanh nào, dù là trên nền tảng công nghệ mới, vẫn tiềm ẩn nguy cơ kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo. Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng Việt nếu luật pháp để quản lý chưa hoàn thiện?  

Chúng ta đang nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đang lo ngại Việt Nam tụt hậu, vì thế, ở góc độ quản lý, chính quyền các tỉnh, thành, các bộ, ngành với tư cách là bên điều hòa lợi ích, cần có những quyết sách để ủng hộ xu thế mới, có lợi cho dân, cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đi theo xu hướng, đón đầu xu hướng chứ không nên cưỡng lại xu hướng. 

Tin cùng chuyên mục