Ước mơ lính trẻ

Đêm ở đảo xa
Ước mơ lính trẻ

Dù ở vùng biển đảo xanh tươi hay miền biên giới xa thẳm, những người lính trẻ luôn có nhiều mơ ước, dù nhỏ nhoi. Ôm chặt cây súng, họ đã kể cho chúng tôi nghe về hoài bão rất bình thường của họ. Đó là học nghề, học văn hóa hay làm thầy, làm thợ - những ước mơ chính đáng của người lính trẻ sau khi rời quân ngũ.

Lính trẻ Sư đoàn 5 đang chăm sóc vườn rau xanh.

Lính trẻ Sư đoàn 5 đang chăm sóc vườn rau xanh.

Đêm ở đảo xa

Hình như đêm trên biển ngắn hơn đất liền. Hơn 4 giờ sáng, từ trên tàu HQ957, chúng tôi đã lờ mờ thấy đảo Trường Sa Lớn sừng sững giữa muôn trùng khơi. Dù chút nữa đây sẽ bước chân lên đảo, nhưng ai cũng giành chiếc ống nhòm trên phòng thuyền trưởng để nhìn rõ cảnh vật. Trên cầu tàu, lính đảo đã tề tựu vẫy tay chào.

Đêm đó, đảo Trường Sa Lớn rạng rỡ tiếng hát ca. Tôi tìm một chỗ khuất phía sau để ngắm nhìn những ánh mắt hạnh phúc của người lính đảo. Một người lính trẻ đi ngang qua và ngồi xuống cạnh tôi. Qua trò chuyện, hóa ra đó chính là anh lính trẻ đã nhảy như trẻ con chào đoàn vào rạng sáng trên cầu tàu. Hạ sĩ Nguyễn Văn Chương tâm sự: “Đêm qua, không phải riêng em mà ai cũng hạnh phúc và khó ngủ. Cứ có đoàn đến thăm là tụi em lại chộn rộn vậy đó. Cảm giác khó tả lắm”.

Chương quê Quảng Ngãi, ở đảo hơn 10 tháng. Cuộc sống trong quân ngũ - trường đại học lớn - đã giúp Chương và đồng đội trở nên chững chạc cả trong ứng xử lẫn cuộc sống. “Nhà em nghèo mà lại đông anh em. Ngoài giờ học, em phụ giúp gia đình làm ruộng. Nhưng đất đai cũng không nhiều, em phải làm đủ thứ nghề từ sửa xe, phụ hồ đến vác đất thuê. Sau này, hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được học nghề miễn phí, em mừng lắm. Em sẽ học nghề thợ hàn. Nghề này ở quê em thu nhập khá lắm. Em sẽ ráng làm và để dành tiền… lấy vợ”, Chương thổ lộ.

Trách nhiệm ngày trở về

Ngoài không ít lính trẻ tự nguyện xin phục vụ lâu dài trong quân ngũ, những chàng trai đã hoạch định tương lai cho mình sau khi rời quân ngũ. Tất cả ước mơ đó đều xuất phát từ quyền lợi được học nghề, hỗ trợ học văn hóa, tạo việc làm của chính quyền địa phương. Thông tin này như một động lực giúp những người lính trẻ đang thi hành nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc thêm yên tâm, tự tin để thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ.

Mới đây, trong dịp đi thăm các tân binh Sư đoàn 5, Quân khu 7, chúng tôi đã nghe nhiều tâm tư của người lính trẻ. Binh nhất Lê Minh Thi, 22 tuổi, nhà ở quận 10, cho biết: “Em rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM, địa phương đã không quản ngại đường sá xa xôi đến tận nơi này thăm và động viên tụi em. Em sẽ nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự không dài và em có thể thực hiện được ước muốn của mình. Những ước muốn mà khi còn ở nhà em khó có thể thực hiện được”.

Minh Thi và nhiều bạn trẻ có chung nguyện vọng được học nghề lái ô tô. Với chi phí học lái ô tô (hơn 10 triệu đồng) như hiện nay, đúng là chuyện bất khả thi với những gia đình lao động nghèo. Điều rất vui là ngoài việc được miễn phí học nghề tại trung tâm dạy nghề, nhiều địa phương còn hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, ăn uống cho bộ đội xuất ngũ trong thời gian học. Dù chi phí học nghề có cao hơn quy định, nhưng nhiều địa phương đã vận dụng các mối quan hệ để thực hiện trọn vẹn ước mơ của người lính trẻ.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Trên địa bàn quận có một trường dạy lái ô tô. Đây chính là lợi thế giúp địa phương biến ước mơ của các bạn trẻ hoàn thành nghĩa vụ quân sự thành hiện thực. Không những thế, khi có có bằng lái chúng tôi còn tổ chức giới thiệu việc làm cho họ với các doanh nghiệp, đơn vị hay hãng taxi. Đây là hành động xuất phát từ trách nhiệm và nghĩa tình của địa phương”.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục