Ước mơ thành hiện thực của Goscinny

Người hùng Asterix đè bẹp đạo quân La Mã; chàng cao bồi Lucky Luke rút súng nhanh hơn bóng của mình; hay chú nhóc Nicolas và những chuyến phiêu lưu với gia đình…, các nhân vật xuất thân từ thế giới truyện tranh đều trở nên sống động nhờ tài kể chuyện của tác giả Rene Goscinny. 
Rene Goscinny (phải) cùng Albert Uderzo xây dựng thành công nhân vật Asterix
Rene Goscinny (phải) cùng Albert Uderzo xây dựng thành công nhân vật Asterix
Tháng 11 năm nay, nhân 40 năm ngày mất của Rene Goscinny (1977 - 2017), Viện Lưu trữ phim ảnh Pháp đã tổ chức cuộc triển lãm lớn, kéo dài cho tới ngày 4-3-2018 với chủ đề “Goscinny và điện ảnh”. Kể từ những năm 1970 trở đi, các bộ truyện tranh của Goscinny đều được chuyển thể thành phim. Những bản phóng tác đầu tiên trung thành, gần gũi với truyện tranh, do đa số đều là phim hoạt hình. Mãi tới những năm gần đây (kể từ năm 1999) khi công nghệ kỹ xảo đạt tiến bộ đáng kể, thì lúc đó hầu hết các nhân vật truyện tranh như Asterix, Iznogoud, Lucky Luke, Petit Nicolas… mới được dựng thành phim truyện với dàn diễn viên thật.    
4 thập niên sau ngày Goscinny qua đời, cô con gái ruột của tác giả là Anne Goscinny đã cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm của gia đình để làm nên cuộc triển lãm. Theo lời Anne, tuy sinh trong một gia đình gốc Do Thái tại Paris, nhưng Goscinny lại lớn lên tại Buenos Aires, Argentina. Thời còn trẻ mê nghệ thuật thứ 7, ông xem đi xem lại các bộ phim của cặp bài trùng Laurel và Hardy, của 5 anh em nhà họ Marx (Marx Brothers), của vua hề Charlie Chaplin hay Buster Keaton. Sau đó, nét khôi hài dí dỏm đã ảnh hưởng trong cách viết kịch bản truyện tranh của Goscinny: không những trong cách dẫn dắt câu chuyện mà còn trong lối tạo dựng tính cách của từng nhân vật.
Goscinny nổi tiếng nhờ tài soạn kịch bản cho các bộ truyện tranh từ đầu những năm 1950 trở đi. Đó là một nghề tiên phong tại Pháp, do nó hoàn toàn mới trong những năm đầu tái thiết đất nước sau Thế chiến thứ II. Trong số những tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của ông có Anh hùng Asterix do Albert Uderzo minh họa, Chàng cao bồi Lucky Luke hợp tác với họa sĩ người Bỉ Morris, Tể tướng Iznogoud với sự cộng tác của họa sĩ Jean Tabary, còn Chuyện của chú nhóc Nicolas được kể theo ngòi bút của Sempe. Với các phiên bản chuyển ngữ, Goscinny lập kỷ lục với gần 500 triệu cuốn truyện tranh, lưu hành trên khắp thế giới.
Kể từ đầu những năm 1970, ngoài thế giới truyện tranh, Goscinny còn viết thêm kịch bản cho các bộ phim truyện. Theo Anne, đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời của cha cô khi ông cuối cùng cũng thực hiện được giấc mơ của mình. Cùng với một số đồng nghiệp, ông lập Hãng phim Idefix và sản xuất nhiều bộ phim hoạt hình như Asterix và Nữ hoàng Cleopatra, Dạo khúc của nhà Dalton. Tuy nhiên, trong lúc hãng phim còn rất nhiều dự án, Goscinny lại đột ngột qua đời do cơn đau tim ở tuổi 51.
Những nỗ lực của Goscinny đã giúp phục hồi ngành phim hoạt hình của Pháp, vốn không còn đất dụng võ vào đầu những năm 1980. Theo ông Serge Caillet, Giám đốc sản xuất của Hãng phim Idefix thời bấy giờ, chính Goscinny đã thuyết phục Phòng Thương mại Pháp thành lập một trường dạy vẽ, qua đó đào tạo những tài năng tương lai làm việc cho ngành phim hoạt hình cũng như game video điện tử. Cho dù Hãng phim Idefix không tồn tại được lâu, nhưng sáng kiến này đã cho ra đời Trường Ecole des Gobelins nổi tiếng trên khắp thế giới. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trường này giờ đây sang Mỹ làm việc cho các hãng phim hoạt hình Pixar hay Disney.
Viện Lưu trữ phim ảnh Pháp dành nguyên một gian triển lãm để nói lên những dự án điện ảnh của tác giả người Pháp này. Do đó, với chủ đề “Goscinny và điện ảnh” vì thế triển lãm còn có thêm ý nghĩa, những gì Goscinny lưu lại cho hậu thế, những ước mơ còn dang dở sau ngày ông mất, lại trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục