Kế hoạch phát triển chăn nuôi, tạo nguồn hàng
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, năm 2014, nhờ chủ động liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi, lượng hàng thực phẩm cung ứng cho thị trường TP tăng khá cao, trong đó lượng thịt heo tăng 18% so với năm 2013; thịt gia cầm tăng hơn 30%. Đặc biệt trong dịp tết năm nay, nguồn hàng cung thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp (DN) trong nước rất dồi dào, phong phú, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu thịt và trứng gia cầm từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó ổn định giá bán.
Vươn lên từ sự chủ động, sáng tạo
Năm 2012 không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM, mà đây cũng là năm TPHCM cùng lúc đẩy mạnh việc triển khai thêm nhiều đề án, chương trình nhánh. Một trong những đề án nổi bật, đó là Kế hoạch phát triển chăn nuôi TPHCM tạo nguồn thực phẩm bình ổn thị trường giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Kế hoạch này do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo trực tiếp, giao Sở NN-PTNT phối hợp với cùng các sở, ngành chức năng tổ chức thực hiện. Với kế hoạch này, TP cũng tạo điều kiện tốt nhất, từng bước hình thành một đội ngũ DN chủ lực trong ngành chăn nuôi, có đủ lượng hàng cung ứng và chi phối, dẫn dắt giá cả thị trường. Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, hiện TP không chỉ lo nguồn hàng cho 10 triệu dân TP mà còn là đầu mối cung ứng hàng hóa đến nhiều tỉnh, thành cả nước. Nếu không chủ động được nguồn hàng, sẽ khó có thể đảm bảo cung - cầu, ổn định giá cả hàng hóa.
Một trong những trang trại liên kết chăn nuôi gà thả vườn của Công ty TNHH San Hà. (Ảnh: chăm sóc gà thả vườn 2 tuần tuổi tại trang trại ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Tường Dân
Với các DN tham gia cũng thể hiện rõ sự cố gắng để duy trì triển khai và đầu tư mới phát triển chăn nuôi, nhất là tập trung phát triển về con giống, nguồn cung ứng giống gia súc, gia cầm nhằm chủ động trong sản xuất, tạo nguồn hàng cung cấp cho tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trên địa bàn TP. So với năm 2013, lượng hàng cung ứng từ chương trình đã tăng 18% so với năm 2013, cụ thể heo thịt là 42.580 con, tương ứng 13.414 tấn (tăng 18% so năm 2013); gia cầm 2.520.163 con, tương ứng 56.710 tấn (tăng 35%); trứng gia cầm 362.06 triệu quả (tăng 2%). Tính lũy tiến từ năm 2012 - 2014, các DN tham gia bình ổn đã cung cấp cho thị trường TP 390.493 con heo thịt, tương ứng 35.209 tấn; 53.105.163 con gia cầm, tương ứng 133.683 tấn; trứng gia cầm 986,83 triệu quả.
Hầu hết các DN tham gia thực hiện triển khai kế hoạch đều đã vươn lên bằng chính sự chủ động, sáng tạo của mình, trở thành một trong những DN chủ lực, dẫn đầu ngành chăn nuôi của cả nước. Có thể kể đến như Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn, Công ty Vissan, Công ty Thanh niên Xung phong, Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH San Hà… Đây cũng là những DN tiên phong trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Nhiều sản phẩm trong chương trình đã được người tiêu dùng tín nhiệm, có sức chi phối lớn trên thị trường như sản phẩm gia cầm của Công ty TNHH Phạm Tôn chiếm tới 39% thị phần; Công ty Vissan khoảng 20% thị phần thịt gia súc; Công ty TNHH Ba Huân chiếm hơn 30% trứng gia cầm…
Cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác
Theo nhận định của Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung, kế hoạch phát triển chăn nuôi TPHCM tạo nguồn hàng thực phẩm bình ổn thị trường đã đạt được những hiệu quả và đang có chiều hướng tiếp tục phát triển tốt trong những năm tiếp theo. Chương trình đã thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại giữa TPHCM và các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN tham gia chương trình, tạo điều kiện cho DN liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Từ chương trình cũng đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng chất lượng sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình phù hợp nhu cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN đầu tư mở rộng chuồng trại, ứng dụng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.
Đặc biệt, trong năm 2013 và 2014, các DN trong chương trình đã có sự liên kết chặt chẽ, tận dụng lợi thế sẵn có của mình để phát triển nguồn hàng. Có thể kể đến, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và lực lượng Thanh niên xung phong đã có sẵn nhà máy chế biến thức ăn; Công ty Vissan và Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn tiếp tục mở rộng hình thức hợp tác với các trang trại chăn nuôi; Công ty TNHH Phạm Tôn thành công với mô hình liên kết 3 bên… Tất cả DN này đều cùng ngồi lại bàn bạc và hợp sức để tận dụng thế mạnh sẵn có của từng bên, phát huy tốt nhất tiềm năng của từng đơn vị, giảm chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh những mặt tích cực, chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là hầu hết DN vẫn chưa có sự liên kết bền chặt, khép kín trong quy trình sản xuất từ cung cấp con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm. Các HTX chăn nuôi khó tiếp cận với các nguồn vốn, đất đai để đầu tư nhà xưởng phát triển chăn nuôi do không có nguồn tài sản thế chấp. Theo Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười, việc triển khai hợp tác thu mua sản phẩm giữa công ty và một số HTX đang gặp phải khó khăn do yêu cầu quản lý tài chính kế toán cần phải có những chứng từ, nhất là hóa đơn tài chính do cơ quan thuế tại địa phương cấp cho những đợt giao hàng khi giao dịch mua bán với Công ty Vissan… Khó khăn này đã được Công ty Vissan nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được phản hồi tích cực.
Để nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giai đoạn 2012-2015, định hướng 2020, ông Nguyễn Phước Trung kiến nghị, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cần chủ trì triển khai đến các DN Nghị định số 210/2013 ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua Thông tư 05/2014/TT-BKHĐT về hướng dẫn thực hiện Nghị định 201/2013 để đông đảo DN, HTX biết đến các chủ trương này. Đối với các DN tham gia bình ổn thị trường cần tập trung liên doanh, liên kết để hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ khâu cung cấp con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh các hoạt động mua bán con giống, thức ăn chăn nuôi giữa các DN, từ đó có sự tương hỗ cùng nhau phát triển. Khi làm được như vậy, ngành nông nghiệp mới phát triển mang tính tập trung, tạo thành sức mạnh chi phối thị trường, giá cả.
|
HẢI HÀ - MINH HÙNG