USD và dầu khí

Trong phiên giao dịch “tống tiễn” năm 2010, giá dầu thế giới đã tăng lên 95,20 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua do ngày càng xuất hiện nhiều dự đoán về việc nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn. Tạp chí trực tuyến Oil Energy Investment vừa đăng bài Đánh giá triển vọng thị trường năng lượng toàn cầu năm 2011 của nhà phân tích thị trường Kent Moors nhận định, những vấn đề nổi lên trong năm 2010 có thể tiếp tục tác động đến thị trường năng lượng trong năm 2011.

Hiện nay, nhu cầu dầu lửa thế giới đã phục hồi ở nhiều khu vực ngoài Bắc Mỹ và Tây Âu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về nhu cầu dầu khí toàn cầu lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 9 tháng qua. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ (EIA), giới quân sự Mỹ và Đức đều dự báo nhu cầu toàn cầu cả về dầu khí và các sản phẩm dầu đang tăng lên.

Các dự báo nhu cầu tăng lên chủ yếu không phải từ Mỹ và Tây Âu mà từ các nền kinh tế đang phát triển mới nổi. Sự phục hồi nhu cầu dầu khí từ Mỹ cũng đóng vai trò nhất định nhưng nhu cầu dầu khí, giá dầu khí và các sản phẩm dầu tăng lên lại được quyết định ở các khu vực khác của thế giới. Mặc dù sản lượng khai thác có thể đáp ứng nhu cầu dầu khí toàn cầu nhưng giá dầu vẫn có xu hướng tăng cao. Trong khi nhiều nhà phân tích thị trường dầu khí thế giới buộc tội các nhà đầu cơ đã đẩy giá tăng.

Với động cơ lợi nhuận, hàng ngàn nhà đầu cơ đang không ngừng thúc đẩy các hoạt động cũng như sự can dự của họ vào các thị trường năng lượng và dầu khí thế giới. Song, Kent Moors lại cho rằng các giao dịch của những nhà đầu cơ là “những thùng dầu trên giấy” chứ không phải là những thùng dầu thô thực tế. Ông nhấn mạnh vấn đề giá dầu tăng bắt nguồn từ “chính hệ thống buôn bán dầu khí thế giới”, khi hệ thống này ngày càng không thể quyết định được quy mô chính xác cho sự lựa chọn hợp đồng.

Bất chấp những nỗ lực làm suy yếu vị trí của đồng USD trong thị trường dầu lửa thế giới năm 2010, đồng tiền này sẽ vẫn đóng vai trò chủ lực, được sử dụng trong các giao dịch dầu khí quốc tế năm 2011 và chưa xuất hiện đồng tiền nào có thể thay thế vị trí của đồng USD do có quá nhiều tài sản trên thế giới được định lượng bằng đồng USD. Đồng euro, có nhiều khả năng nhất để thay thế đồng USD, đang có những vấn đề của riêng nó và không thể đảm nhận vai trò hiện nay của đồng USD.

Tuy có nhiều hợp đồng dầu khí thế giới ở các thị trường như Dubai, Singapore, Iran, Venezuela… được giao dịch bằng đồng euro, dinar, thậm chí bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và nhiều nước như Trung Quốc, Iran, Nga… tìm cách đẩy đồng USD khỏi vị trí thanh toán chủ yếu trong thị trường dầu khí nhưng những nỗ lực này chưa đạt kết quả như ý.

Một nỗ lực khác để thay thế đồng USD là đề nghị sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) như là đồng tiền dự trữ thay thế đồng USD. Tuy nhiên, khi thay thế đồng USD trong thanh toán tại các thị trường dầu khí sẽ phá hoại giá trị của một lượng tài sản khổng lồ không chỉ của Trung Quốc mà còn của rất nhiều nước khác trên thế giới, vốn đang được dự trữ bằng đồng tiền này

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục