Nếu đồng ngoại tệ - đặc biệt đồng USD - không được sử dụng dễ dàng trong các giao dịch mua bán hàng hóa thì chắc hẳn người dân sẽ ít tích trữ USD. Thế nhưng, qua khảo sát của chúng tôi, việc sử dụng đồng USD hiện nay dễ như tiền đồng. Thậm chí, nhiều cửa hàng công khai niêm yết giá bằng ngoại tệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường, đơn vị có chức năng kiểm tra xử lý hành vi vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ, dù thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt, nhưng thực tế, nhiều nơi vẫn vi phạm công khai, chưa thấy bị xử lý!
Giá USD làm... chuẩn?!
Dọc các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám (quận 1, TPHCM) nơi được gọi “khu phố Tây”, tập trung nhiều du khách nước ngoài nên gần như họ lấy đồng USD làm giá chuẩn khi giao dịch. Theo quan sát của chúng tôi, riêng đoạn đường Phạm Ngũ Lão có hơn 5 địa chỉ niêm yết giá bằng USD, như Công ty TNHH DL và TM Việt Nhật (số 303 Phạm Ngũ Lão, quận 1); Công ty du lịch tại số 201 Phạm Ngũ Lão… Riêng trên đường Bùi Viện có khoảng hàng chục cửa hàng lớn nhỏ niêm yết giá bằng USD.
Không những thế, những cửa hàng điện tử nhập khẩu cũng niêm yết bằng giá USD. Một số thiết bị điện tử chống trộm (camera theo dõi; bút điện tử ghi âm, quay phim lén) là loại hàng hạn chế kinh doanh nhưng Công ty CP Quốc tế Viễn Tín (số 392 Trần Hưng Đạo, quận 5) bày bán công khai, lại còn niêm yết giá bằng đồng USD. Theo bà Trương Thị Xuân Tiên, phụ trách bộ phận kinh doanh của Công ty CP Quốc tế Viễn Tín: “Hàng ở đây đều được tính theo giá USD, sau đó quy đổi ra tiền đồng Việt Nam”.
Ngoài ra, trên các website quảng cáo, rao vặt như: nhathuesaigon.com; vatgia.com; muaban.net…cũng có hàng trăm công ty kinh doanh bất động sản niêm yết giá cho thuê, bán bằng USD. Lần theo địa chỉ này, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Lê, nhân viên kinh doanh nhà đất (trú tại Bùi Thị Xuân, quận 1), được ông Lê cho biết: “Giá những ngôi nhà trung tâm TP dùng cho thuê hoặc bán, làm văn phòng… được tính bằng USD. Giá ngoại tệ cũng được ghi trong hợp đồng, nhưng khi thanh toán, hai bên mua – bán thỏa thuận hoặc quy đổi thành tiền Việt. Hơn nữa, đối tượng khách hàng tìm đến công ty chúng tôi đa phần là Việt kiều, hoặc người nước ngoài nên thường giao dịch bằng USD”.
Thiếu kiểm tra, xử lý
Tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 107/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền bán hàng, phí dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép”.
Còn tại khoản 6 điều 9 nghị định này cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: “Tịch thu số ngoại tệ thu được do vi phạm hành chính quy định tại khoản 5 điều này; tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trên 12 tháng trở lên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với vi phạm quy định tại điều này”. Hình phạt có vẻ rất nặng, nhất là đối với hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh, nhưng vì sao các công ty vẫn không ngán? Câu trả lời đơn giản: Do thiếu kiểm tra, xử lý!
Đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có hành vi niêm yết giá, ký hợp đồng mua, bán, cho thuê chung cư… bằng ngoại tệ cũng thế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có công văn thông báo cụ thể đến từng NHNN chi nhánh cảnh báo việc này. Văn bản 6852/NHNN-QLNH nêu rõ: “Căn hộ chung cư là tài sản có giá trị lớn nên việc niêm yết, ký hợp đồng mua bán bằng ngoại tệ không những vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Do vậy NHNN Việt Nam đề nghị NHNN Chi nhánh Hà Nội và NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra hành vi niêm yết bằng ngoại tệ trái phép của một số doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đồng thời báo cáo kết quả cho NHNN Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) để theo dõi”.
Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết những địa chỉ vi phạm đều nằm ở những con đường lớn, dễ quan sát, nhưng chẳng hiểu sao, cho tới giờ các nơi này vẫn tiếp tục sai phạm nhưng không bị xử lý.
Suy cho cùng, không chỉ để bảo vệ đồng tiền dân tộc mà khi giao dịch bằng USD thì chính khách hàng là đối tượng phải gánh chịu tăng giá, trong tình hình tỷ giá USD liên tục biến động như hiện nay. Vì vậy, luật có, văn bản đôn đốc nhắc nhở đã rõ, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để dẹp yên tình trạng niêm yết giá USD bát nháo trên thị trường. Tránh kiểu ra quân rầm rộ trong thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó, gây mất niềm tin của người dân và tốn tiền của nhà nước.
THI HỒNG