Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài: “Công nghiệp mũi nhọn TPHCM: Tăng trưởng bền vững”, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và lãnh đạo sở ban ngành trên địa bàn đã gửi ý kiến phản hồi về những việc làm được cũng như hạn chế trong việc đầu tư thúc đẩy ngành công nghiệp trọng yếu. Báo SGGP lược trích đăng một số ý kiến trên.
- Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai: Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành trọng yếu
Qua thực tế triển khai, Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã phát triển đúng hướng. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu mà Báo SGGP đề cập trong loạt bài: “Ngành công nghiệp mũi nhọn TPHCM: Phát triển bền vững” luôn được lãnh đạo UBND TPHCM chú trọng quan tâm. Dù vậy, để ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục phát huy vai trò hơn nữa, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, Sở Công thương đã có một số kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể, đề nghị ngân sách TP hỗ trợ toàn bộ lãi vay đối với các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao phù hợp danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao theo quy định hiện hành; hỗ trợ 50% lãi vay đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao của TP. Tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao; hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn có tác động quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao được hỗ trợ kinh phí để triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ chi phí nghiên cứu đã tự đầu tư.
Các tổ chức, cá nhân có dự án mua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao được ưu tiên vay vốn tín dụng Nhà nước với lãi suất ưu đãi. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hàng năm của TP cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ tối đa 20% kinh phí cho các tổ chức, cá nhân trong nước tham gia chợ, hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao ở trong nước. Ngoài ra, hỗ trợ chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu khoa học như bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao…
Doanh nghiệp có dự án đầu tư chuyển giao công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao phù hợp danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho dự án (về diện tích, vị trí, tiền thuê đất) trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, khu công nghệ cao của TP. Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được TP tạo điều kiện phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, ưu tiên và tập trung đủ kinh phí cho các hoạt động tìm kiếm thông tin về công nghệ, mua quyền sở hữu, quyền sử dụng và bí quyết công nghệ; bảo đảm kinh phí cho nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
- Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình Ngô Văn Vị: Chính sách ưu đãi chưa rõ nét
Về chủ trương chính sách của TPHCM thể hiện khá rõ trong Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Báo SGGP đã nêu, trong đó có khá nhiều hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp về thuế, vốn… Tuy nhiên, chính sách còn chung chung, không rõ nét. Đối với các vấn đề hỗ trợ mang tầm vi mô về hỗ trợ lãi suất, thuế hầu như doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do chưa tìm được tiếng nói chung cùng cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, không phải đến thời điểm này, mà từ lâu đã rất rối rắm, thậm chí bí lối ra trong chiến lược, kế hoạch đầu tư mang tầm vĩ mô. Nguyên nhân là doanh nghiệp trong nước sinh sau đẻ muộn, thua xa so với các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới. Vì vậy, khi thực hiện một đề án, vấn đề thường gặp là khó khăn về thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, việc cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt, làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Do đó, để có thể đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, điều tiên quyết là cần phải có tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần thường xuyên có những buổi tiếp xúc giữa hai phía để trao đổi thông tin, nghiên cứu tìm ra cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại; chiến lược đầu tư phải cụ thể và hiệu quả. Cần nhận thức rõ những thất bại của các giai đoạn trước, để tránh lập lại làm giảm hiệu quả khi ban hành chủ trương chính sách. Đối với doanh nghiệp, luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để lập ra những kế hoạch, dự án có luận chứng kinh tế rõ ràng, khả thi sau đó mới tiến tới việc nhờ sự hỗ trợ chính sách từ Nhà nước. Bởi thực tế, hiện nay chính các doanh nghiệp cũng chưa có dự án tốt, nên việc tiếp cận chủ trương chính sách cũng gặp khó khăn.
Lạc Phong
| |
| |