Sữa là loại thực phẩm đặc biệt, vô cùng thiết yếu đối với trẻ em. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện thì sữa không còn dành riêng cho trẻ em mà nhiều người trong mỗi gia đình Việt đều được dùng.
Theo thống kê tiêu dùng sữa gần đây ở VN tăng nhanh, đạt bình quân 20%/năm. Sản lượng sữa tiêu dùng (quy sữa tươi) hơn 1,4 tỷ lít, bình quân khoảng từ 15-17 lít/người/năm. Dù còn thấp hơn so với nhiều nước nhưng nguyên liệu trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 25%-30% nhu cầu sản xuất. Điều này có thể lý giải, thị trường VN đã trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn của nhiều hãng sữa nổi tiếng trên thế giới. Trong khi đó, chất lượng và giá bán sữa ngoại cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Trở lại thời điểm trước năm 2011, mỗi năm sữa ngoại có thể tăng giá từ 3-5 lần, mỗi lần tăng thêm từ 3%-5%, thậm chí là 10%. Đánh trúng vào tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, các nhãn hàng sữa ngoại đã không ngừng tổ chức các đợt quảng cáo rầm rộ, cộng với tăng chiết khấu cho các điểm bán nhằm tăng sức cạnh tranh. Nếu như chiết khấu của các loại sữa bột và các chế phẩm từ sữa của các DN trong nước chỉ dừng ở mức +/- 10%, thì sữa ngoại có thể lên tới 30%. Chi phí quảng cáo của các DN sữa ngoại hiện chiếm hơn 20%, thậm chí là 30% giá thành sản phẩm sữa, đã làm giá sữa tăng từ 2,18%-16,39%. Chính điều này đã đẩy giá một hộp sữa ngoại bán tại VN lên hàng cao nhất trong khu vực.
Trước tình hình này, TPHCM đã triển khai thực hiện CTBOTT các mặt hàng sữa. Trong 2 năm đầu thực hiện (2011 và 2012), TP chỉ bình ổn đối với nhóm các loại sữa dành cho người già và trẻ em. Sau khi chương trình đi vào nề nếp, TP đã mở rộng đối với 6 nhóm các mặt hàng sữa, trong đó có cả sữa tươi. Ngay sau khi 2 DN hàng đầu ngành sữa VN là Vinamilk và Nutifood vào cuộc, với cam kết ổn định giá bán quanh năm đối với một số loại sữa bột có sức mua lớn trên thị trường, việc tăng giá theo kiểu “đến hẹn lại tăng” của các loại sữa ngoại bị chùn bước. Theo Sở Tài chính TPHCM, năm 2012, sữa ngoại chỉ còn tăng giá 1 lần, mức tăng là 5%.
Song song với việc ổn định giá bán quanh năm, để làm rõ chất lượng các loại sữa tham gia bình ổn giá, góp phần định hướng tiêu dùng của người dân TP, cách đây không lâu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP (ATVSTP) đã tiến hành lấy 6 mẫu sữa của Công ty Vinamilk (gồm sữa bột Dielac Alpha 1 dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi; sữa bột Dielac Alpha Step 2 dành cho trẻ em từ 6 - 12 tháng tuổi; sữa bột Dielac Sure dành cho người bệnh; sữa bột Vinamilk Canxi (sản phẩm dinh dưỡng ít béo, bổ sung canxi) dành cho đối tượng trên 30 tuổi; sữa bột Diecerma (dinh dưỡng đặc biệt) và sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú, đồng thời đơn vị này cũng lấy 6 sản phẩm sữa ngoại (trong đó có 6 sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu và 4 sản phẩm từ châu Á) có cùng công dụng như sữa Vinamilk để gửi đến Trung tâm Sắc ký Hải Đăng và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm để kiểm nghiệm. Các chỉ tiêu cơ bản được kiểm nghiệm gồm chỉ tiêu chất lượng (đạm, đường, béo); các chỉ tiêu an toàn; Melamine và các thành phần khoáng chất (Canxi, Phospho, Sắt), Vitamin (Acid Folic, Choline), DHA, Omega 3, Omega 6.
Kết quả cho thấy, hàm lượng đạm và béo của sữa nội và sữa ngoại tương đương nhau, đặc biệt trong đó sữa Vinamilk Canxi có hàm lượng đạm 29,4% khối lượng cao hơn hẳn so với sữa ngoại cùng loại có hàm lượng đạm là 21,3%; khối lượng và sữa dành cho phụ nữ mang thai sản xuất trong nước Dielac Mama (hàm lượng béo 15,4% khối lượng) so với sữa ngoại (hàm lượng béo là 1,92% khối lượng); 6/6 (100%) mẫu sữa Vinamilk có các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với công bố tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký tại Cục ATVSTP; 12/12 (100%) mẫu sữa có kết quả kiểm nghiệm vi sinh, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế; 12/12 (100%) mẫu sữa không phát hiện có chứa Melamine.
Theo Ths-BS Nguyễn Thị Hoàng Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, kết quả phân tích ghi nhận chất lượng dinh dưỡng từ thành phần béo và đạm sữa tham gia bình ổn của Vinamilk tương đương so với sữa ngoại. Nhưng bên cạnh đó, sữa nội vẫn có chứa một số chất như Vitamin (acid folic, choline), DHA, omega 3, omega 6 và khoáng chất (canxi, phospho, sắt) phù hợp với quy định Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển trí não và cân nặng của người VN.
Về giá bán, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, giá bán của các loại sữa ngoại có cùng trọng lượng, công dụng được mua trên thị trường tại thời điểm đưa đi kiểm nghiệm cao hơn từ 29% - 70% so với các sản phẩm của Vinamilk. Với chất lượng tương đồng, thậm chí sữa nội còn có một số ưu điểm vượt trội như vừa nêu, trong khi giá bán thấp hơn nhiều so với sữa ngoại thì việc dùng sữa nội sẽ giúp người tiêu dùng vừa tiết kiệm được ngân sách gia đình, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.
Trong thế giới tiêu dùng, nếu chúng ta cứ mãi tin vào hàng ngoại, bỏ qua những sản phẩm trong nước có chất lượng tốt nhưng giá bán rất cạnh tranh là một thiếu sót lớn. Với những thống kê trên, chất lượng sữa nội đã được xếp ngang hàng với các nhãn hàng sữa hàng đầu thế giới. Vấn đề còn lại chính là sự quyết định thông minh của người tiêu dùng.
Thúy Hải