Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2015
Nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam, do Bộ Công thương phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức từ ngày 27-9 đến ngày 2-10, những ngày qua trên địa bàn cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động kết nối cung - cầu giữa 3 nhà: quản lý - sản xuất và phân phối nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, góp phần đa dạng hóa thị trường.
Nhộp nhịp kết nối
Mở đầu cho chuỗi sự kiện này là Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam năm 2015” được tổ chức tại TPHCM ngày 29-9 vừa qua. Hội nghị thu hút 83 doanh nghiệp (DN) tham gia. Trong đó, có 70 DN sản xuất thuộc các ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, nhóm chế biến nông lâm thủy sản… và 13 DN đầu mối phân phối phía Nam. Kết quả, có 45 hợp đồng được ký kết giữa đơn vị phân phối và DN sản xuất như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với Công ty TNHH MTV mắm Bà Giáo Khỏe, Cơ sở sản xuất bún - bánh phở Ba Khánh, DNTN CBTP - TM Hồng Hương, HTX bưởi 5 roi Mỹ Hòa, HTX TMDV Hoàn Thiện, HTX Quyết Thắng, Tổ hợp tác Lương Phú. Liên hiệp HTX TM TPHCM (Saigon Co.op) ký với cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi, Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp, Công ty TNHH Phước Thành IV, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Tiến…
Lễ ghi nhớ các hợp đồng nguyên tắc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu 2015 khu vực phía Nam. Ảnh CTV
Cùng với việc ký kết, các bên cũng có dịp tiếp xúc, trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường. Đồng thời, các nhà phân phối cũng có dịp trình bày những yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm để đưa vào hệ thống chuỗi phân phối.
Ngay sau đó là Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc năm 2015” diễn ra vào ngày 30-9 tại TP Hà Nội với hơn 40 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm với DN sản xuất.
Mới đây nhất, ngày 1-10, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị kết nối cung - cầu miền Trung - Tây Nguyên. Có 38 tỉnh, thành tham dự, trong đó Sở Công thương TPHCM có 5 DN hàng đầu và đang thực hiện chương trình bình ổn thị trường của TP đã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm gồm Saigon Co.op, Công ty Vissan, Công ty San Hà, Công ty TNHH Tấn Vương và chợ đầu mối Hóc Môn. Tại hội nghị, các DN của TPHCM ký kết nhiều hợp đồng cung ứng hàng hóa như Saigon Co.op ký với Công ty TNHH SXCB KDXNK Hương Quế về nguyên liệu cũng như các sản phẩm từ quế; Công ty San Hà ký với Công ty TNHH An Khánh tiêu thụ gia cầm; Công ty Tấn Vương đã làm việc với hệ thống Fivimart để gửi hàng mẫu và tiến hành đàm phán cung cấp các loại gạo…
Tiếp sức cho hàng đặc sản
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, hội nghị là cơ hội tốt để các DN, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, đề xuất nhu cầu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa công nghiệp nông thôn với các hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, hội nghị còn tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp trong việc nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường, định hướng sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi cung ứng bền vững, hiệu quả.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Sébastien Lestang, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị Big C, khu vực phía Bắc, đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của hàng Việt Nam và khẳng định: Ngay từ khi mới thành lập, Big C đã đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng Việt Nam và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới. Do đó, ông Sébastien Lestang nhấn mạnh, các mục tiêu và chiến lược kinh doanh của Big C luôn gắn chặt với mục tiêu quảng bá hàng Việt và được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể nhằm đồng hành với hàng Việt, như: chú trọng phát triển các gian hàng Việt trong siêu thị, trong đó 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; đồng thời tích cực quảng bá đến người tiêu dùng, với chính sách thu mua theo hướng ưu tiên hàng nội.
Điều này thể hiện khá rõ tại hội nghị kết nối tại TPHCM vừa qua, chỉ riêng Big C đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 11 DN địa phương khu vực phía Nam. Với những nỗ lực âm thầm và bền bỉ, tính đến nay, Big C đã hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp địa phương, từng bước giúp họ hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong quản lý bán lẻ hiện đại. Nhờ đó, đã có nhiều thương hiệu của những DN gia đình, DN vừa và nhỏ đã có thể mở rộng phạm vi phân phối đến với đông đảo người tiêu dùng trong khu vực cũng như trong cả nước, tạo nên những câu chuyện thành công thú vị như mắm Bà Giáo Khỏe (An Giang), rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ), rượu Ba Kích (Quảng Ninh), trứng gà Tân An (Hạ Long), cà chua Rừng hoa bạch cúc (Đà Lạt)…
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị kết nối thì vấn đề hỗ trợ các DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa còn được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như các hệ thống phân phối làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa bình ổn thị trường; gặp gỡ DN, đại lý, nhà phân phối để kết nối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý các cơ sở chế biến... Từ đó, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ hàng hóa đã được nhiều tập đoàn, DN của cả nước như Hapro, Sài Gòn Co.op Hà Nội, Vinmart, Fivimart (khu vực phía Bắc); Hapro, Vinatex, TH TrueMilk, Kinh Đô (phía Nam)... đã hình thành và có xu hướng phát triển khá tốt.
“Với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương và các đầu mối tiêu thụ tại những thị trường trọng điểm, với kinh nghiệm, sức sáng trạo và chuyên môn vững vàng trong kết nối cung - cầu của Sở Công thương các địa phương, thông qua các kỳ hội nghị sẽ tìm ra những biện pháp cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối trong nước, liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn, cùng tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước một cách bền vũng, ổn định. Mục tiêu của Bộ Công thương đưa ra là đến hết năm 2015 trên 70% các sản phẩm của Việt Nam có mặt tại các tỉnh, thành của cả nước; đến năm 2020 trên 90% các sản phẩm của Việt Nam sẽ hiện diện và trụ vững ở các địa phương trên toàn quốc”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định.
THÚY HẢI - NGUYÊN PHƯƠNG