Ưu tiên kinh phí đề tài nghiên cứu gắn với thị trường

Cuối tuần qua, tại Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM, Ban chủ nhiệm Chương trình Công nghệ công nghiệp và tự động hóa (CN-TĐH) thuộc Sở KH-CN TPHCM đã tổ chức hội thảo xây dựng nhiệm vụ khoa học cho chương trình trong năm 2014 (lĩnh vực công nghiệp, điều khiển giao thông, chống ngập…) nhằm tiếp thu ý kiến, đề xuất nhiệm vụ khoa học từ các đơn vị nghiên cứu; tìm kiếm giải pháp nâng cao khả năng nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong doanh nghiệp, đặc biệt là sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ CN-TĐH, cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2013, các thành viên thuộc chương trình đã thực hiện và hoàn thành nghiệm thu được 64 đề tài. Trong đó, có 40% số lượng đề tài đã được áp dụng vào thực tế, đa phần là đề tài do các doanh nghiệp thực hiện. Theo thông lệ, những năm trước, việc tuyển chọn các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu thông qua đề xuất mà các đơn vị trường, viện, doanh nghiệp gởi đến. Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là từ năm 2010 đến nay, số doanh nghiệp tham gia giảm dần. Số lượng doanh nghiệp đề xuất từ con số 18 đề tài trong năm 2006 còn 5 đề tài trong năm 2012. Mỗi năm, Ban chủ nhiệm chương trình được nhà nước cấp kinh phí 2 - 3 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng 9 đề tài được xét duyệt trong năm 2014, tổng kinh phí đã hơn 6 tỷ đồng. Dĩ nhiên, với những đề tài có tính cấp thiết, Sở KH-CN vẫn phải thu xếp. Thế nhưng, “doanh nghiệp hóa” các đề tài nghiên cứu là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới, vừa giúp có thêm kinh phí, lại có khả năng ứng dụng trực tiếp tại doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Toản, Phó Giám đốc Công ty Vận tải SAMCO, nhận định, tất cả doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong việc tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, từ năm 2010, thế giới bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, họ ưu tiên kinh phí cho công tác sản xuất kinh doanh hơn là nghiên cứu đổi mới công nghệ. Đại diện Khoa cơ khí, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, cũng cho biết, hiện đại hóa năng lực chiến đấu cho bộ đội là vấn đề cấp thiết. Nhưng đến nay, các hệ thống cảm biến bán tự động cho pháo cao xạ, hay tối ưu hóa đường truyền các hệ thống cảm báo sớm vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, đề xuất ban chủ nhiệm xem xét giải quyết trong thời gian tới…

Nhiều ý kiến khác của đại diện doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu đều nhận định, để lĩnh vực công nghệ CN-TĐH phát triển, bản thân Sở KH-CN TPHCM, Ban chủ nhiệm chương trình cần chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khối lượng sản phẩm lớn nhưng dây chuyền chưa được tự động hóa. Từ đó, đề xuất các giải pháp về công nghệ và kinh phí. Có thế, các đề tài nghiên cứu của chương trình mới gắn được với nhu cầu của thị trường. 

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục