Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11-2016), Quốc hội khóa IV đã biểu quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với hơn 90% phiếu thuận. Lý do chi phí cho điện hạt nhân quá tốn kém và không còn phù hợp để tiếp tục đầu tư trong bối cảnh hiện tại. Thay vào đó, các chuyên gia năng lượng cho rằng cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và đây là xu hướng chung của thế giới.
Việt Nam hiện được xem là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối, gió…, với công suất ước tính 37,818MW, tương đương với công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia. Nếu khai thác tối đa được tiềm năng, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Một dự án điện gió tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: LẠC PHONG
Năng lượng tái tạo là công nghệ tiến bộ, ít rủi ro, ít gây ra tác động xấu đến môi trường và sinh kế của người dân. Chỉ riêng với điện gió, nếu khai thác hết tiềm năng, mỗi năm Việt Nam sẽ thu được khoảng 10.000MW. Đây là con số đáng kể giảm tải cho hệ thống thủy điện và nhiệt điện. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có Bạc Liêu, Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai các dự án điện gió và cũng mới có 4 dự án điện gió hòa vào hệ thống điện quốc gia.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, sở dĩ điện gió ở nước ta phát triển còn thấp là do việc đầu tư cho phát triển loại hình năng lượng sạch này còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là chưa tìm được các nhà đầu tư chiến lược, vì giá bán điện gió hiện tại thấp hơn thủy điện và nhiệt điện, nên chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây là điều mà Nhà nước cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài việc mua bán, chuyển giao công nghệ, Việt Nam cũng cần có những chương trình nghiên cứu tổng thể, phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo.
Trước thực trạng nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước tiếp tục tăng trưởng; các nguồn năng lượng truyền thống có hạn và sẽ tiến dần đến cạn kiệt, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng…, bài toán tổng hòa nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng trong nước, phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cần các nhà khoa học, quản lý đưa ra đáp án.
Hiện nay, chi phí cho sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên thế giới có xu thế giảm mạnh (ở Dubai, UAE hiện chỉ còn khoảng 670 đồng/kWh) và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Việt Nam cần ưu tiên cho phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vì các lợi ích kép, bao gồm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và bền vững.
TRẦN LƯU