Việc điều chỉnh hạ lãi suất tối đa đối với tiền gửi USD đối với tổ chức từ mức 0,25%/năm còn 0%/năm, đối với cá nhân từ 0,75%/năm còn 0,25%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây không chỉ có tác động ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, hướng đến chủ trương chống USD hóa nền kinh tế của Chính phủ, mà còn thực hiện mục tiêu không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết quý 1-2016 như NHNN đã cam kết.
Tránh áp lực lên tỷ giá
Sau khi NHNN điều chỉnh kép về tỷ giá trong tháng 8 vừa qua, NHNN đã khẳng định sẽ giữ ổn định tỷ giá không những trong những tháng cuối năm 2015 mà còn cả đầu năm 2016. Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái hạ trần lãi suất USD của NHNN, trong đó đáng lưu ý là quy định áp 0% lãi suất đối với tiền gửi USD của các tổ chức là cơ quan này đang cụ thể hóa lời khẳng định về việc đảm bảo tỷ giá nằm trong biên độ cho phép bằng mọi biện pháp.
Một vị lãnh đạo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, động thái mới này của NHNN cũng có thể nhắm tới mục tiêu giãn rộng chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và lãi suất huy động USD (lên mức 6% - 7% tùy từng ngân hàng) nhằm bảo toàn tính hấp dẫn của việc nắm giữ VND, tránh sự dịch chuyển dòng vốn sang kênh ngoại tệ, gây áp lực trở lại với tỷ giá. “Thông qua quyết định mới này, chúng tôi cho rằng NHNN vẫn đang ưu tiên cho mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm nay, kể cả việc có thể phải “hy sinh” một vài yếu tố khác như giảm mặt bằng lãi suất VND hay thu hút thêm các dòng tiền đầu tư quốc tế mang tính ngắn hạn khác”, vị lãnh đạo này cho hay.
Mặc dù tỷ giá vá lãi suất USD được điều chỉnh nhưng thị trường và giá cả vẫn ổn định (Ảnh: THANH TẤN)
Cùng quan điểm, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá động thái trên của NHNN mang hàm ý khuyến khích sự chuyển dịch từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân từ USD sang VND. Việc chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi cá nhân VND và USD được nới ra thêm 0,5%/năm phần nào giúp cho kênh tiết kiệm bằng VND có ưu thế tương đối so với USD. Mặc dù vậy, VDSC lại cho rằng, tác động của chính sách lãi suất mới sẽ không đáng kể. Bởi lẻ, với các tổ chức kinh tế, những doanh nghiệp (DN) có tiền gửi bằng USD chủ yếu là những DN có nguồn thu bằng USD hoặc có nhu cầu tích trữ USD để thanh toán nên việc điều chỉnh này cũng chưa thể tác động rõ rệt đến việc dịch chuyển từ tiết kiệm USD sang tiết kiệm bằng VND. “Trên thị trường tiền tệ gần đây, một số ngân hàng thương mại đã phát đi tín hiệu tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng VND ở các kỳ hạn dài. Điều này có thể ảnh hưởng đến định hướng giảm lãi suất cho vay của NHNN, do đó, việc điều chỉnh lãi suất huy động USD có thể là một cách gián tiếp để hạn chế nguy cơ lãi suất trong nền kinh tế tăng trở lại. Cho dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng chính sách lãi suất mới đối với USD sẽ có ảnh hưởng đáng kể lên việc hạn chế áp lực tỷ giá”, chuyên viên phân tích Phạm Thi Hường nhận định.
Thanh khoản ngoại tệ ổn định
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng, mục đích quan trọng nhất của quyết định trên là nhằm giảm động cơ nắm giữ ngoại tệ của cả phía DN lẫn người dân, đặc biệt là các DN xuất khẩu sẽ ít nhiều bớt đi động lực nắm giữ USD trong thời gian dài nhằm hưởng lãi suất cũng như thu được khoản chênh lệch với kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD chủ yếu tác động đến người dân và tổ chức găm giữ USD để hưởng lãi suất với kỳ vọng USD sẽ tăng giá để bán USD hưởng lợi. Riêng đối với cá nhân và tổ chức kinh tế như công ty xuất nhập khẩu giữ USD tại tài khoản không phải để kiếm lời mà để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần, thì việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất huy động USD sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại vì nguồn ngoại tệ không còn dồi dào như trước. Nhất là vào cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ của DN để thanh toán, trả nợ tăng cao.
Trong khi đó, một vị lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lại cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất USD, đặc biệt là 0%/năm đối với các tổ chức sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động ngoại tệ. Tuy nhiên, không nên lo các tổ chức, DN rút tiền gửi ngoại tệ ảnh hưởng đến thanh khoản. Vì các DN không thể rút ngoại tệ về để cất vào kho mà họ sẽ tính toán lợi ích để chuyển đổi. “Ngoại tệ vẫn không thể ra khỏi Việt Nam vì khi DN chuyển đổi thì nó vẫn là một khoản mục nằm trong cơ cấu vốn của ngân hàng. Chính vì thế không quá lo ngại về ảnh hưởng đối với thanh khoản và tín dụng ngoại tệ thời gian tới”, vị lãnh đạo này lý giải.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, mặc dù chính sách điều chỉnh lãi suất mới ban hành nhưng các DN đã bán USD cho ngân hàng là một trong những tín hiệu tích cực, góp phần tăng nguồn thanh khoản ngoại tệ cho ngân hàng, giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn cho nền kinh tế, đặc biệt là những tháng cuối năm. Thanh khoản ngoại tệ các ngân hàng hiện vẫn ổn định. “Hiện tỷ lệ sử dụng vốn ngoại tệ/huy động vốn chỉ chiếm trên 60%, khá thấp so với quy định chung hiện nay ở mức tối đa là 80% nên thanh khoản ngoại tệ tại ngân hàng hiện không đáng lo”, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, điều đáng lo ngại là từ đầu năm 2015 đến nay, cho vay USD trên địa bàn TP đã giảm hơn 3%. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 8 (tháng NHNN điều chỉnh tỷ giá - PV) đã giảm mạnh hơn 2%. Nguyên nhân là do DN sợ rủi ro về tỷ giá nên đã vay ngoại tệ trả nợ trước hạn. “Với việc điều chỉnh giảm lãi suất USD đầu vào sẽ có cơ hội kéo giảm lãi suất cho vay USD. Chính vì thế, chúng tôi kỳ vọng thời gian tới dư nợ bằng ngoại tệ sẽ phục hồi và đi đúng đối tượng, tạo điều kiện cho DN có nhu cầu ngoại tệ thực sự vay USD với lãi suất thấp hơn, giúp giảm chi phí tài chính, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay.
MINH HUY