Còn đúng 1 tuần nữa là kết thúc Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2015 và Tết Bính Thân 2016, TPHCM đang tiếp tục triển khai CTBOTT 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 theo hướng nào? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM để làm rõ những nội dung này.
Đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng mở rộng sản xuất, chuồng trại
Ông Nguyễn Phương Đông
- Phóng viên: Ông có thể đánh giá khái quát kết quả thực hiện CTBOTT năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 vừa qua?
>> Ông NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG: Năm 2015 là năm thứ 14 TPHCM thực hiện CTBOTT và là năm thứ 3 áp dụng mô hình xã hội hóa, ngừng sử dụng vốn ngân sách cho doanh nghiệp (DN) vay tạm ứng không lãi suất mà thay vào đó là thực hiện kết nối ngân hàng với DN. Cách làm này đã đem lại kết quả tích cực, giúp tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội, qua đó đã thể hiện và củng cố truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP.
Các nội dung, yêu cầu chủ yếu của CTBOTT năm 2015 đều được DN tham gia triển khai nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả. Cụ thể, nguồn vốn thực hiện chương trình do các ngân hàng đăng ký đa dạng và tương đối dồi dào, từ nguồn vốn lưu động đến trung và dài hạn, nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu và cả vốn vay cho đối tác, các nhà cung ứng của DN BOTT đều được ngân hàng giới thiệu các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu để phục vụ đầu tư sản xuất nguyên liệu, sản xuất và dự trữ hàng hóa.
Phương thức tạo nguồn hàng đi vào chiều sâu, bền vững. Trong năm, các DN đã đầu tư 7.020 tỷ đồng để mở rộng quy mô nhà xưởng, chuồng trại, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất sản xuất, phát triển hệ thống phân phối… điển hình là sự hình thành các dự án: nhà máy giết mổ gia cầm, chế biến thực phẩm của Công ty San Hà, Công ty Ba Huân tại Long An; nhà máy chế biến sữa tươi của NutiFood tại Gia Lai… Một phương thức tạo nguồn hàng bền vững khác là hoạt động kết nối cung - cầu cũng đã được triển khai đạt hiệu quả và được Bộ Công thương và các tỉnh, thành đánh giá cao. Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành đã thực hiện ký kết được 482 hợp đồng liên kết tiêu thụ hàng hóa giữa các DN; bổ sung đáng kể các mặt hàng đặc sản phục vụ tết cũng như lượng hàng tham gia BOTT.
Kết quả cung ứng hàng hóa, tổng doanh thu của 4 chương trình đạt 18.372,35 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ; đa số các nhóm hàng đều vượt hoặc đạt xấp xỉ kế hoạch giao, qua đó cung ứng lượng hàng phong phú, dồi dào giúp ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường. Mạng lưới điểm bán hàng BOTT tiếp tục được đầu tư, mở rộng. Đến nay, chương trình đã phát triển 10.140 điểm bán hàng.
- Theo ông, đâu là điểm nổi bật của CTBOTT năm 2015?
Tôi cho rằng, điểm nổi bật của CTBOTT năm 2015 là đã thực hiện bước đầu công bố 308 điểm bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… giúp người dân yên tâm lựa chọn mua sắm và tiêu dùng. Sở Công thương đang phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tiếp tục công bố nhiều điểm bán đạt chuẩn an toàn trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Chương trình thí điểm xây dựng thành công mô hình cửa hàng “3 trong 1” đầu tiên tại quận 4: điểm kinh doanh 100% hàng Việt, điểm bán hàng bình ổn thị trường và là điểm phân phối thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Trên cơ sở hiệu quả của mô hình, hiện nay Sở Công thương đang phối hợp UBND các quận - huyện, các DN trên địa bàn TP rà soát mặt bằng phù hợp để nhân rộng mô hình.
Hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ
- Trong quá trình triển khai thực hiện, CTBOTT trong năm qua có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Thuận lợi lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện chương trình là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đầy trách nhiệm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cùng với sự hỗ trợ tích cực của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận - huyện cùng với sự tự giác, tinh thần tham gia tích cực, chấp hành tốt, đầy đủ các cam kết của DN và sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng là yếu tố quyết định đem lại thành công cho chương trình.
Điểm thuận lợi tiếp theo là qua 14 năm thực hiện, chương trình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hình thành cơ chế phối hợp, triển khai thực hiện chặt chẽ, hợp lý; DN tham gia chương trình lớn mạnh, đủ bản lĩnh trong xử lý biến động thị trường.
Tuy vậy, quá trình triển khai chương trình cũng gặp một số khó khăn, chủ yếu đối với DN mới tham gia lần đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng của DN.
- Chương trình BOTT 2016 và Tết Nguyên đán 2017 sẽ được tiếp nối ra sao? Có bao nhiêu DN đăng ký tham gia và các sở, ngành đã tiến hành lựa chọn DN như thế nào?
Chương trình BOTT 2016 và Tết Nguyên đán 2017 tiếp tục thực hiện theo cơ chế như năm 2015, triển khai từ ngày 1-4-2016. Công tác đăng ký đã được Sở Công thương công bố rộng rãi từ đầu tháng 12- 2015; trên cơ sở tiêu chí rõ ràng, công khai về năng lực, ngành nghề… để DN đăng ký, đến nay các sở - ngành TP đã xem xét hồ sơ, kiểm tra thực tế và xét duyệt được 86 DN đủ điều kiện tham gia, tăng 1 DN so với chương trình năm 2015 - 2016. Đa số các DN tham gia chương trình đều là DN có uy tín, thương hiệu lớn như: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Phạm Tôn, San Hà, Cầu Tre, Vinamilk, TH.TrueMilk, NutiFood, Mr.Vui, Vĩnh Tiến…
Năm 2015, TPHCM thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, kết nối hàng hóa nhằm hình thành cơ chế phối hợp và điều phối nguồn hàng, giá cả giữa các tỉnh, thành, đảm bảo đầu ra ổn định hàng hóa có chất lượng tốt
Ưu tiên phát triển sản phẩm đạt chuẩn an toàn
- Những nhóm mặt hàng nào sẽ được đưa vào CTBOTT 2016?
Theo kế hoạch, năm nay, chương trình có sự bổ sung, đa dạng chủng loại mặt hàng. Cụ thể, chương trình lương thực sẽ tiếp tục thực hiện BOTT 9 nhóm mặt hàng gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; bổ sung thêm chủng loại hàng hóa: nấm rơm, nấm mèo, các chủng loại thủy hải sản khô, chế biến…
Chương trình mùa khai giảng tiếp tục thực hiện BOTT 4 nhóm mặt hàng gồm tập học sinh, đồng phục học sinh, cặp - ba lô - túi xách, giày; bổ sung các mặt hàng dép quai hậu cho học sinh. Chương trình sữa: thực hiện đối với 7 nhóm hàng sữa thiết yếu, bổ sung nhóm hàng sữa chua tiệt trùng. Chương trình dược phẩm, tiếp tục thực hiện 21 nhóm thuốc với 176 hoạt chất (tăng 6 hoạt chất so với năm 2015), với 550 mặt hàng dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm…
- Ông có thể cho biết những điểm mới của CTBOTT 2016?
Cơ chế thực hiện CTBOTT năm 2016 về cơ bản kế thừa năm 2015, tiếp tục thực hiện các nội dung đã làm. Trong đó, một số nội dung được chú trọng, đó là tiếp tục hỗ trợ DN trong chương trình đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao. Thúc đẩy xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần trên cả nước, đẩy mạnh xuất khẩu cho DN và sản phẩm BOTT.
Hỗ trợ các địa phương thực hiện CTBOTT, trước mắt, trọng tâm là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ theo nội dung đã ký kết trong Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM với các địa phương. Tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu đối với sản phẩm đạt chuẩn an toàn. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán hàng BOTT, kinh doanh 100% hàng Việt Nam và là điểm bán thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Tôi hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN và sự tin tưởng ủng hộ của người tiêu dùng, CTBOTT năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017 sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một trong những công cụ hữu hiệu điều tiết hàng hóa, giá cả, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn TP.
- Xin cảm ơn ông!
THÚY HẢI (thực hiện)