Sau gần 20 năm xuất khẩu, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 90% - 95% thị phần thế giới.
Đây là ngành hàng đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước; trở thành ngành kinh tế chiến lược, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.768 triệu USD trong năm 2014, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động… Rõ ràng, “kỳ tích” này do chính nông dân cùng những nhà doanh nghiệp, quản lý tâm huyết gầy dựng nên.
Thế nhưng, nội tại ngành hàng này đang tồn tại nhiều yếu kém, cản trở quá trình phát triển. Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, nước ta phát triển cá tra theo tính chất tự phát (tự nuôi, tự chế biến và tiêu thụ), không có sự định hướng kịp thời của Nhà nước. Riêng 5 năm gần đây, ngành cá tra hầu như rơi vào khủng hoảng. Tình trạng mất cân đối cung cầu nguyên liệu, dư thừa công suất chế biến, cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn thường xuyên diễn ra. Giá bán sản phẩm cá tra hiện nay tùy thuộc chủng loại sản phẩm và thị trường tiêu thụ trong khoảng 2,2 - 3,5 USD/kg. Nhìn chung, mức giá này rất thấp so với sản phẩm tương tự trên thế giới khoảng 30% - 40% như cá nheo của Mỹ, cá thịt trắng của châu Âu, cá rô phi Trung Quốc. Tình trạng phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị chưa hợp lý khiến người nuôi “treo” ao, phá sản. Đặc biệt, sau gần 20 năm xuất khẩu, cá tra vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường bán lẻ thế giới, chưa định hướng được thị trường mặc dù chiếm đến 90% sản lượng… Sản phẩm cá tra Việt Nam đang tiêu thụ trên thị trường còn đơn điệu, chủ yếu là phi lê đông lạnh (trên 90%). Thị trường nội địa với 90 triệu dân cũng chưa được chú trọng mở rộng.
Theo ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, việc xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam rất cấp thiết và cần nhanh chóng xúc tiến xây dựng đề án tái cấu trúc ngành cá tra. Theo đó, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ là nơi có đủ điều kiện đứng ra làm trung gian, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành đề án, gửi lên các cơ quan cấp trên. Liên quan đến vấn đề này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, phân tích: “Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều cộng đồng kinh tế trên thế giới như: Liên minh kinh tế Á - Âu, EU, TPP, RCEP… Điều đó đã đưa đến những cơ hội mới cho các doanh nghiệp như: Các thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, sự thuận lợi đến từ những cắt giảm thuế quan, thỏa thuận về môi trường đầu tư. Những thuận lợi do các FTA đem lại có thể kể đến giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào rẻ hơn. Việt Nam có thể hưởng lợi từ các thể chế hoàn thiện tại các quốc gia phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới”.
“Nhưng cũng không ít khó khăn phải đối mặt trong cục diện mới như: Hiện tại có quá nhiều hiệp định với nhiều quy định về xuất xứ khác nhau, mức độ ưu đãi của từng FTA cho Việt Nam cũng khác nhau, yêu cầu chất lượng sản phẩm tại các thị trường khác nhau. Sức ép cạnh tranh từ các nước láng giềng như Indonesia, Philippines, Thái Lan… khi các quốc gia này đang đẩy mạnh phát triển nuôi cá tra do nhận thấy tiềm năng to lớn của loài cá này. Đồng thời phải kể đến sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước tham gia FTA như các quốc gia trong khối EU, Hoa Kỳ, các quốc gia Bắc Âu... Vì thế, các doanh nghiệp cần rút tỉa kinh nghiệm từ các hiệp định thương mại khác nhau để tránh những tổn thất không đáng có do thiếu kiến thức về các FTA”, TS Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.
HUY PHONG