Ủy ban Kinh tế: Cần có giải pháp đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất sang Việt Nam ​

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUOCHOI
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUOCHOI

Sau báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Báo cáo thẩm tra cho rằng, một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao. Một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng TFP ở mức thấp trong các nước ASEAN. Các giải pháp về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đề nghị báo cáo rõ hơn việc triển khai Luật Quy hoạch, tiến độ lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; triển khai thu phí tự động không dừng không bảo đảm tiến độ. 

Về tình hình năm 2020, chỉ ra tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong quý 1, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

Về những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng thiết yếu.

Thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn.

Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra nêu nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học và đề nghị đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy, học tập trực tuyến; làm rõ việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh học trực tuyến; làm rõ khó khăn của cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là cấp mầm non; phương thức lựa chọn và giá sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là nội dung cấp bách cần được quan tâm phản ánh đầy đủ và có giải pháp hiệu quả hơn.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh. Tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập. Tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Xảy ra một số vụ án giết người nghiêm trọng, lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội, ứng dụng di động để cho vay nặng lãi, lừa đảo, trục lợi... Một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Với những giải pháp tới đây, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.

Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Chính phủ cần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra.

Cùng với đó, tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.

Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Chính phủ cũng cần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tái đàn heo trong nước, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhập khẩu lượng thịt heo hợp lý, cân bằng cung cầu trong nước. Rà soát, đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu (nhất là lúa gạo) để tranh thủ cơ hội cạnh tranh, nhu cầu và giá xuất khẩu tăng cao.

Tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bảo đảm công tác an ninh, trật tự phục vụ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp. Kiểm soát và quyết liệt giải quyết hiệu quả ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn.

Tin cùng chuyên mục