(SGGPO).- Sáng nay, 19-5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tán thành việc Đề án tập trung đổi mới những gì làm được ngay mà không phải chờ đợi việc sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan.
Là đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông Thảo cho biết, vừa qua, Hà Nội đã thực hiện ngay việc thông báo rộng rãi về các cuộc tiếp xúc cử tri, hạn chế tình trạng “đại cử tri chuyên nghiệp”, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri và “kết quả rất tốt”.
Về quy định bỏ phiếu tín nhiệm, ông Thảo đề nghị áp dụng cho các chức danh từ Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trở lên. Tuy nhiên, bỏ phiếu hàng năm có lẽ hơi nhiều, ông Thảo băn khoăn.
Liên quan đến công tác lập pháp, ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tán thành quy định của Đề án về việc Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra các dự án luật có liên quan và có ý kiến bằng văn bản, song cho biết, số thành viên kiêm nhiệm trong các ủy ban thường chiếm đa số và tập hợp đủ số thành viên ủy ban để góp ý vào các dự luật là rất khó khăn. Vì thế, theo ông, Đề án chỉ nên yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban dứt khoát phải có ý kiến bằng văn bản của Thường trực Ủy ban.
Các báo cáo thẩm tra từ nay nên kiên quyết lược bỏ hết những thông tin không cần thiết như đã tổ chức họp bao nhiêu lần, thành phần như thế nào… Cũng không nên nêu lại các giải pháp trong báo cáo thẩm tra; đó là việc của Chính phủ. Quốc hội chỉ quyết định chỉ tiêu, định hướng chứ không quyết định các biện pháp điều hành thay cho Chính phủ, ông Lê Việt Trường nhận định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường ủng hộ mạnh mẽ việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, bởi quy trình thực hiện sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, như thế là rất chặt, không sợ có việc lợi dụng hay mất ổn định.
Cũng liên quan đến hoạt động giám sát, ông Trường cho rằng Đề án không nên “bó” cứng mỗi tháng chỉ cử một đoàn giám sát xuống tỉnh. Vì Quốc hội giám sát toàn diện mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có thể tổ chức các đoàn làm việc khác nhau; vấn đề là phải lựa việc cho đúng, thực sự cần thiết mới làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp thẳng thắn nhận định, một trách nhiệm hết sức quan trọng của Quốc hội là quyết định ngân sách, nhưng lâu nay do tài liệu được trình rất sát kỳ họp, cơ quan thẩm tra cũng như đại biểu Quốc hội không đủ thời gian nghiên cứu nên chủ yếu quyết định trên cơ sở “tin Chính phủ”…
ANH PHƯƠNG