Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 đối với dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) và dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nội dung nêu trong các dự thảo Báo cáo của MTTQVN, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời lưu ý một số vấn đề đối với từng dự thảo Báo cáo.
Về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá đậm nét hơn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để khẳng định uy tín và vị thế của đất nước. Đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, cử tri cả nước cùng với các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh và đánh giá của quốc tế đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 cua nước ta; bổ sung số liệu cụ thể làm nổi bật các điểm nhấn lớn của năm 2020 thì mới phản ánh đúng được bối cảnh cũng như ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân.
Đối với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành và cho rằng đã phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, tạo cơ sở cho công tác giám sát việc tố chức thực hiện của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá kỹ hơn các vấn đề liên quan đến giá cả hàng hóa; vấn đề xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá; hoạt động của doanh nghiệp; tình hình quốc phòng, an ninh... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các ý kiến, kiến nghị phản ánh trong dự thảo Báo cáo bảo đảm sát với thực tế.
Về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã quan tâm, giải quyết, trả lời kịp thời, đúng thời hạn các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong điều kiện phải đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng công tác giải quyết kiến nghị cử tri vẫn còn có hạn chế, trong đó nổi lên là: tình trạng trả lời chung chung, tỷ lệ trả lời dưới dạng cung cấp thông tin còn nhiều; tỷ lệ kiến nghị giải quyết xong còn thấp, số lượng kiến nghị tồn đọng còn nhiều qua nhiều kỳ họp chưa được xử lý dứt điểm.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng về phía Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri, bảo đảm rõ ràng, cụ thể, trọng tâm, không kiến nghị trùng lặp, không kiến nghị những vấn đề đã được giải quyết; tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri trong quá trình tiếp xúc cử tri đối với các kiến nghị đã được các bộ, ngành trả lời; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số vấn đề nổi cộm, bức xúc tại nỗi địa phương mà cử tri quan tâm.
Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo; phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành; rà soát, xử lý dứt điểm.