(SGGPO).- Sáng 14-9, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) - diễn ra từ ngày 14 đến 24-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là một phiên họp kéo dài, nhằm chuẩn bị tốt cho Kỳ họp Quốc hội thứ 10.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 41
Trọng tâm của phiên họp 41 là tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên cơ sở xin ý kiến nhân dân để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới (dự kiến sẽ khai mạc ngày 20-10). Một số dự thảo luật liên quan đến dân chủ xã hội như Luật về Hội và đặc biệt là Luật Báo chí sửa đổi sẽ được UBTVQH cho ý kiến lần đầu.
Trong khuôn khổ phiên họp, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về công tác giám sát, trong đó nghiên cứu hình thức chất vấn sẽ triển khai thế nào để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi vào kỳ họp thứ 10; cụ thể là phiên chất vấn sẽ diễn ra như lâu nay, hay các thành viên Chính phủ, các đối tượng được chất vấn sẽ trả lời về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các vấn đề liên quan công tác bầu cử vào năm 2016 như việc thành lập hội đồng bầu cử, ngày bầu cử...
Theo chương trình dự kiến, UBTVQH cũng cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014; báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược...
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, UBTVQH đã cho ý kiến về Bộ luật Hình sự (sửa đổi); trong đó có một nội dung đáng lưu ý là việc bổ sung các tội danh mới, theo đó sẽ tội phạm hóa các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, đặc trưng và có tính nguy hiểm ngày càng cao trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông...
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành việc bổ sung số tội danh trên. Tuy nhiên, việc xác định tội danh mới phải trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ quy định những hành vi chưa được điều chỉnh trong Bộ luật trên cơ sở đánh giá đầy đủ về khách thể cần bảo vệ cũng như đặc trưng của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, số tội danh mới được bổ sung cần được rà soát kỹ, tránh sự trùng lặp.
Đối với việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, đa số ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi.
Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành sự cần thiết bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này mà không cần thiết phải mở thêm thủ tục tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) mới để cuối cùng cũng chỉ buộc người bị kết án vào tù.
Chiều nay, UBTVQH sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
ANH PHƯƠNG