Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo

Sáng nay, 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và góp ý cho Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII.

(SGGPO).-Sáng nay, 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và góp ý cho Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII.

Báo cáo về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011 của Ban Dân nguyện nhấn mạnh, số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong năm 2011 tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2010 là 5.992 lượt người (gần 49,25%) và giảm 606 vụ việc (gần 20%), nhưng số lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người lại tăng hơn so với năm 2010 là 53 lượt (tăng 32,31%). Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo đều đã diễn ra từ những năm trước đây, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp.

Nhìn chung, việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuy đã được quan tâm hơn, nhưng vẫn còn một số hạn chế, đó là: việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết vẫn đạt tỷ lệ thấp; công tác theo dõi, đôn đốc, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư đã chuyển chưa được thường xuyên; chưa chú trọng đến việc nghiên cứu, đánh giá kết quả giải quyết, do đó hạn chế đến việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Một số khó khăn, tồn tại trong công tác này cũng đã được bản Báo cáo chỉ rõ. Việc tiếp công dân như hiện nay là chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo quy định của pháp luật thì các cơ quan của Quốc hội đều có nhiệm vụ tiếp công dân, nhưng trên thực tế hiện nay việc tiếp công dân thường xuyên được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện tiến hành tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Theo sự phân công tại đây, Ban Dân nguyện chỉ tiếp những trường hợp đến khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp và hoạt động của Quốc hội, trong khi nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội lại thuộc nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Mặt khác, giữa Ban Dân nguyện và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng chưa có quy chế phối hợp trong việc tiếp công dân, nên việc tổ chức tiếp công dân không tránh khỏi các trùng lặp, chồng chéo. Trong khi đó, tình trạng đơn, thư khiếu nại vượt cấp, nội dung đơn thư trùng lặp, cùng lúc gửi tới nhiều địa chỉ khác nhau vẫn còn diễn ra khá phổ biến…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặc biệt lưu ý đến xu hướng gia tăng khiếu nại đông người và yêu cầu Ban Dân nguyện phân tích, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý. Ông Lý cũng nhận xét, sự phối hợp giữa các ủy ban của Quốc hội, giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (hành pháp, tư pháp) với các cơ quan của Quốc hội chưa tốt nên các cơ quan của Quốc hội không nắm được kết quả giải quyết, không kịp thời trả lời cho công dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Ban Dân nguyện của Quốc hội chính là cánh cửa để Quốc hội mở ra với công dân, do đó cần sớm hình thành một địa chỉ và cơ chế hiệu quả hơn để Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Quốc hội không phải là địa chỉ giải quyết trực tiếp, cho nên quan hệ phối hợp với các cơ quan hành pháp, tư pháp để giám sát, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là rất quan trọng”, ông nói.

Phân tích các số liệu tổng hợp trong Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhận xét: “Dường như còn rất nhiều đơn thư lưu lại ở đâu đó, không được xử lý, bởi tỷ lệ đơn chuyển đi và được phản hồi theo thống kê là khá thấp so với số đơn thư nhận được. Đánh giá kết quả xử lý đơn thư phải nêu được tỷ lệ người dân tâm phục khẩu phục với kết quả giải quyết là bao nhiêu, đó mới là thực chất”…


Báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri: Chưa xử lý được tình trạng lạm thu trong cơ sở giáo dục

Cuối phiên họp sáng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII. Ông Hiền cho biết, tại các kỳ họp này, cử tri ở nhiều địa phương kiến nghị về việc các cơ sở giáo dục thu nhiều khoản đóng góp khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, không đúng quy định của pháp luật. Một số vướng mắc và việc chậm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học theo quy định tại Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội cũng được nhiều cử tri kiến nghị.

Bản Báo cáo nhận định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm”. Đáng lưu ý là khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí.

Về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng được hưởng (theo quy định tại Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội), việc chậm thực thi là do cơ quan có thẩm quyền chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cho đến nay, nhiều địa phương chưa thực hiện được việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được thụ hưởng.

Một nghịch lý cần quan tâm, theo Báo cáo, là trong khi các đối tượng chính sách như học sinh dân tộc thiểu số, sinh viên con gia đình hộ nghèo ở nhiều vùng trong cả nước… chưa được giải quyết miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì vẫn có những học sinh là con hộ gia đình khá giả, có thu nhập cao hơn nhưng vì có hộ khẩu thường trú ở địa bàn nêu trên lại được miễn, giảm học phí.

Bên cạnh đó, qua nhiều kỳ họp, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch...

Ban Dân nguyện đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực chế độ tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo, chế độ học bổng đối với học sinh, hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác ngoài học phí, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được Ban Dân nguyện yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội để Quốc hội xem xét, ra Nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục