WHO viện trợ cho Việt Nam 1,2 triệu liều vaccine cúm A/H1N1

Vaccine đảm bảo an toàn?

Tiêm vaccine cúm A/H1N1 vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất. Nguy cơ tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 và H5N1 rất cao; cân nhắc việc nhận vaccine… là những thông tin được Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm cung cấp ngày 9-12. 

Tiêm vaccine cúm A/H1N1 vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất. Nguy cơ tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 và H5N1 rất cao; cân nhắc việc nhận vaccine… là những thông tin được Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm cung cấp ngày 9-12. 

  • 17 quốc gia được viện trợ vaccine Arepanrix 

Liên quan tới những thông tin về việc triển khai tiêm vaccine cúm A/H1N1 cho Việt Nam, WHO nêu rõ: Sau khi phát hiện ra loại virus H1N1 gây đại dịch cúm, WHO đã khởi xướng một sáng kiến để đảm bảo sự tiếp cận vaccine tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình. Đáp ứng lại sáng kiến này, WHO đã nhận được các cam kết tài trợ với tổng số 180 triệu liều vaccine, trong số này, GlaxoSmithKline (GSK) cam kết 50 triệu liều và Sanofi Pasteur cam kết 100 triệu liều. 

Trong đó GSK đã ký văn bản thỏa thuận tài trợ với WHO loại vaccine Arepanrix có tá dược được sản xuất tại Canada và Canada đã cho phép sử dụng loại vaccine này từ tháng 10. WHO cũng đã tiến hành kiểm định vaccine Arepanrix dựa trên quy trình chuẩn và các thông tin về chất lượng và độ an toàn của vaccine được cung cấp trong hồ sơ. WHO cũng nhấn mạnh, 17 quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương sẽ được nhận viện trợ vaccine Arepanrix, trong đó Việt Nam sẽ được cung cấp 1,2 triệu liều Arepanrix, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2% dân số. WHO dự kiến chuyển vaccine Arepanrix cho Việt Nam trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 2-2010. 

Liên quan tới những thông tin về việc vaccine Arepanrix tại Canada gây ra một số ca tai biến bất lợi nghiêm trọng sau tiêm, WHO cho biết: GSK đã thông báo chủ động giữ lô Arepanrix A80CA007A vào ngày 24-11 sau khi theo dõi thấy một tỷ lệ lớn các ca bị sốc phản vệ có liên quan đến lô vaccine này. Báo cáo giám sát vaccine của Cơ quan Y tế Công cộng Canada chỉ ra rằng, đã có 7 trường hợp xác nhận sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine từ lô A80CA007A. Tần suất này cao hơn khi so sánh với tỷ lệ thông thường là 0,1 đến 1/100.000 liều. Trong khi chờ đợi điều tra thêm, vaccine chưa sử dụng trong lô sản xuất này đã bị thu hồi. 

Đặc biệt, WHO cũng cho biết, đã có 150 triệu liều vaccine cúm đại dịch H1N1 được phân phối trên toàn thế giới và 95 triệu liều đã được tiêm, trong đó 30% là vaccine có tá dược. Các phản ứng quá mẫn cảm đã được thông báo ngay sau khi sử dụng các loại vaccine đại dịch H1N1 bao gồm: nổi mề đay, phù mạch và sốc phản vệ. Tuy nhiên chưa có bất kỳ một ca tử vong nào liên quan tới vaccine cúm A/H1N1 tại bất cứ một quốc gia nào. 

Đối với Việt Nam, WHO khẳng định, việc tiêm chủng vaccine cúm là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các cá nhân khỏi tác động của virus cúm. Lợi ích chính của việc tiêm chủng là nhắm đến nhóm dân số có nguy cơ cao như: những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, những người sống trong các cộng đồng tách biệt, vùng sâu vùng xa và các cán bộ y tế. Nguy cơ về phản ứng bất lợi của vaccine vẫn nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ nghiêm trọng mắc cúm đại dịch mà những nhóm dân có nguy cơ cao phải gánh chịu. 

  • Cân nhắc việc nhận vaccine viện trợ 

Trong khi đó, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm diễn ra vào chiều cùng ngày, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho biết, theo thông báo của WHO thì hiện WHO đã sẵn sàng cung cấp vaccine phòng cúm A/H1N1 cho Việt Nam, vấn đề chỉ là việc hoàn tất khâu thủ tục. Loại vaccine mà WHO cung cấp cho Việt Nam chính là loại vaccine đã gây phản ứng biến chứng sau tiêm tại Canada. Do đó, cơ quan chức năng có liên quan ở nước ta hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi, chờ đợi kết quả điều tra cụ thể về nguyên nhân gây các phản ứng bất lợi sau tiêm vaccine tại Canada, trước khi ký cam kết nhận vaccine. 

Về tình hình dịch, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, trong tuần đã không ghi nhận thêm bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1, hiện cả nước vẫn là 46 người tử vong do cúm A/H1N1, trong đó nhóm phụ nữ mang thai chiếm trên 25%. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lo ngại cho biết, kết quả giám sát của Chương trình phòng chống cúm quốc gia vẫn cho thấy, tỷ lệ người mắc cúm có dương tính với cúm A/H1N1 vẫn lên tới gần 100%. Đặc biệt, với việc tái phát dịch cúm gia cầm và ghi nhận người tử vong do cúm A/H5N1 thì nguy cơ tương tác kết hợp giữa virus cúm A/H1N1 với H5N1 tái tổ hợp thành một chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh và độc lực mạnh là rất cao 

Q.KHÁNH - U.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục