(SGGP).- Đây là thông tin được đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết ngày 23-9 sau khi báo chí có thông tin phản ánh về tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ và việc tăng giá của nhiều loại vaccine này (Báo SGGP ngày 22-9 có bài “Vaccine dịch vụ: Hết hàng, tăng giá”).
Đưa trẻ đi tiêm chủng tại một bệnh viện phụ sản ở TPHCM Ảnh: TẤN HIỀN
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện nay Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho nhiều loại vaccine dịch vụ được nhập khẩu hoặc số đăng ký, trong trường hợp đặc biệt sẽ cấp phép khẩn trương. Tuy nhiên, vaccine dịch vụ được điều tiết do thị trường; Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty, doanh nghiệp phải nhập khẩu vaccine dịch vụ về Việt Nam. Tình trạng khan hiếm, thiếu vaccine dịch vụ có một phần là do tâm lý sính ngoại và nhu cầu sử dụng tăng đột biến. Trong khi đó, vaccine được sản xuất theo lô có giới hạn, thời gian sản xuất dài nên công tác dự trù để đặt hàng là rất quan trọng vì phải có nhu cầu, các nhà cung ứng sẽ nhập khẩu và liên hệ nơi cung cấp. Ngoài ra, năng lực sản xuất vaccine của các hãng trên thế giới cũng có hạn, họ sẽ ưu tiên cho các đơn đặt hàng sớm.
Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, việc thiếu vaccine dịch vụ chủ yếu là thiếu 2 loại vaccine đa giá Infanrix hexa “6 trong 1” và Pentaxim “5 trong 1”. Các vaccine “5 trong 1” và “6 trong 1” là những vaccine đa giá để dự phòng nhiều bệnh. Đây là vaccine dịch vụ do người dân tự trả tiền theo nhu cầu, không phải vaccine tiêm chủng mở rộng được miễn phí. Hai loại vaccine trên đều đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vì vậy, việc nhập khẩu vaccine theo Nghị định 187/2013 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp được nhập khẩu không giới hạn số lượng, giá trị và không phải xin phép Bộ Y tế mà chỉ căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên vừa qua, theo thông báo của nhà sản xuất nước ngoài, hai loại vaccine này đang gặp khó khăn về nguồn cung do thay đổi công nghệ, có chuyển địa điểm sản xuất, do biến động của thị trường, một số vaccine bị hỏng nên mất 6 tháng sau mới cung cấp được lô vaccine khác... Hơn nữa, tại Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng loại vaccine Quinvaxem “5 trong 1” miễn phí nên thị phần tại Việt Nam của hai loại vaccine này không được nhà sản xuất ưu tiên.
Về việc nhiều loại vaccine dịch vụ tăng giá do khan hiếm, Cục Quản lý dược cho biết, hoàn toàn không có đợt điều chỉnh tăng giá nào trong thời gian gần đây. Mới đây chỉ có công bố của cục về thông tin kê khai giá và kê khai lại giá thuốc đến hết ngày 26-8-2015. Đây là việc công bố thường quy đối với thông tin giá thuốc kê khai và kê khai lại của các doanh nghiệp. Cục Quản lý dược cũng cho biết, dự kiến tháng 10 sẽ có khoảng 16.000 liều vaccine Pentaxim “5 trong 1” được nhập về. Sau khi kiểm nghiệm xong, khoảng tháng 11, số vaccine này sẽ được đưa ra thị trường. Ngoài ra, từ tháng 10 đến cuối năm nay có khả năng nhập được 50.000 liều Pentaxim “5 trong 1”, góp phần giảm bớt sự căng thẳng về vaccine dịch vụ.
MINH KHANG