Còn khoảng hơn chục ngày nữa, vải thiều chính vụ của Bắc Giang vào mùa thu hoạch. Sở Công thương Bắc Giang dự báo năm nay vải được mùa lớn, ước tính cho thu hoạch 198.500 tấn, tăng 84% so với năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được mùa vẫn còn nỗi lo cho thị trường đầu ra.
|
Xuất phát sớm tại Hà Nội, sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại huyện huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Từ 8 giờ sáng, các điểm thu mua ở phố Kim - Phương Sơn, phố Kép - Hồng Giang và các điểm thuộc chợ đầu mối thị trấn Chũ - Lục Ngạn, Cao Thượng - Tân Yên cùng 50 điểm thu mua khác tấp nập kẻ bán người mua với giá 10.000 – 19.000 đồng/kg.
Ông Vũ Công Thạc, Trưởng thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm nay, các giống vải chín sớm được mùa. Các giống như U Hồng, Bình khê, Hùng Long được nông dân trồng nhiều nên cho sản lượng lớn, chất lượng thơm ngon. Toàn xã có 220 hộ dân trồng hơn 700ha, trong đó 100ha giống vải thiều chín sớm. Cùng với sự tăng trưởng đột biến của vải chín sớm, năm nay, vải chính vụ cũng được mùa lớn”.
Được biết, từ năm 2010 – 2011, nhờ áp dụng mô hình sản xuất an toàn, chất lượng cao, nên năng suất vải tăng và chất lượng ngon hơn. Trước sự gia tăng của sản lượng vải nên từ cuối tháng 5, UBND tỉnh, các ban ngành hữu quan đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp tìm đầu ra cho mùa vải 2011 với phương châm: “Huy động mọi nguồn lực trong toàn tỉnh, tập trung cao độ, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp và người trồng vải hình thành chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến để tận thu đến mức tối đa, tránh tư thương ép giá”.
Để thực hiện tốt phương châm đề ra, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi tối đa về vốn vay ngắn hạn cho người dân, ngành điện ưu tiên điện cho sản xuất và tiêu thụ vải thiều... Tỉnh giao UBND các huyện lên phương án phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ tích cực cho người dân trong quá trình thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Năm nay, tỉnh Bắc Giang giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) làm đầu mối giải quyết đầu ra. Ông Nguyễn Khanh, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Đối với thị trường trong nước, ngoài việc đẩy mạnh thị trường tiêu thụ quen thuộc ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, năm nay trung tâm đã xúc tiến thương mại đến thị trường các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là TPHCM thông qua các chợ đầu mối và các đại lý.
Bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, trung tâm cũng xúc tiến thương mại tới các thương nhân Lào, Campuhia để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, trung tâm cũng đang tiếp cận thị trường Đông Âu. Trong suốt vụ thu hoạch, trung tâm tổ chức cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa liên tục 24 giờ trong ngày cho các hộ sản xuất”.
Người trồng vải hân hoan vì vải được mùa nhưng bên cạnh niềm vui còn đó nỗi lo canh cánh chờ đầu ra qua sự hỗ trợ hiệu quả của các ban ngành trong tỉnh và thị trường đón nhận.
VÕ HÙNG