Maldives là quốc đảo san hô ở phía Nam Ấn Độ, có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiệp định nhằm tăng cường can dự và hợp tác, hỗ trợ duy trì hòa bình, an ninh ở Ấn Độ Dương, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước.
Tạp chí The Diplomat cho rằng Ấn Độ và Mỹ từ lâu quan ngại việc các hòn đảo trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang bị Trung Quốc chiếm đóng hoặc gây ảnh hưởng. Đáng chú ý là quyết định làm sâu sắc hơn quan hệ quân sự với Maldives của Mỹ được thực hiện với sự tham vấn của Ấn Độ.
Dưới thời cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen, quan hệ giữa Ấn Độ và quần đảo này đã chạm đáy vào đầu năm 2018, khi Maldives quyết định áp đặt tình huống khẩn cấp nội bộ trong nước để chế ngự phe đối lập trong bối cảnh chính phủ của ông Yameen ngày càng thân thiết với Trung Quốc. Thậm chí nhiều nhà phân tích nổi tiếng ở Ấn Độ đã kêu gọi can thiệp mạnh, có thể cả quân sự trực tiếp. Trên thực tế đã từng có tiền lệ cho hành động như vậy khi vào năm 1988, quân đội Ấn Độ phát động một chiến dịch đặc nhiệm để ngăn chặn cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Maldives lúc bấy giờ là Maumoon Abdul Gayoom.
Với việc ông Ibrahim Mohamed Solih được bầu làm tổng thống Maldives vào tháng 9-2018, quan hệ Ấn Độ - Maldives phát triển ấm áp hơn khi Maldives nhắc lại “chính sách Ấn Độ trên hết” cả bằng lời nói và hành động. Trong khi Maldives tiếp tục đối mặt với vấn đề nợ nần do các khoản vay mà nước này nhận từ Trung Quốc dưới thời ông Yameen, Tổng thống Solih đã thực hiện các bước để đưa đất nước đến gần Ấn Độ một cách rõ ràng. Chính vì vậy, tháng 6-2019, ngay sau khi tái đắc cử Thủ tướng Ấn Độ, chuyến thăm đầu tiên của ông Narendra Modi là đến Maldives, tham dự khánh thành hệ thống radar giám sát bờ biển được Ấn Độ hỗ trợ.
Ấn Độ đã giảm nhẹ quan ngại về sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực ở Ấn Độ Dương trong 3 năm qua - một lập trường có từ thời chiến tranh lạnh, nơi Ấn Độ đồng thời lo ngại về sự hiện diện của cả Liên Xô và Mỹ trong khu vực. New Delhi bắt đầu quan tâm đến việc hợp tác với các nước khác ở Ấn Độ Dương, bao gồm cả các cường quốc như Pháp.
Theo các nhà phân tích, đây là kết quả của việc Trung Quốc đẩy mạnh can dự vào Ấn Độ Dương. Theo bà Tanvi Madan, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Brookings có trụ sở tại Washington D.C., lịch sử cho thấy trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ kể từ khi đất nước này độc lập, bất cứ khi nào Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại nơi mà Ấn Độ cho là phạm vi ảnh hưởng của mình, New Delhi sẽ hoan nghênh vai trò lớn hơn của Mỹ và các cường quốc khác. Rõ ràng do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Ấn Độ đang nhiệt tình áp dụng chiến lược tập trung vào các nhóm cân bằng nhỏ hơn như tứ giác Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia hoặc tam giác Ấn Độ - Australia - Pháp.