Vai trò của Nga

Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin mới đây đã cáo buộc một số nước phương Tây đang tìm cách kích động cuộc xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh để đẩy Moscow ra khỏi khu vực Nam Caucasus. 
Vai trò của Nga

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Naryshkin: “Họ đang cố gắng thuyết phục người dân Armenia rằng hòa bình ở Nagorny - Karabakh là một thất bại đối với Armenia. Họ đưa ra ý tưởng về việc cần phải “chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”.

Ngược lại, họ nói với người Azerbaijan rằng Điện Kremlin đã “đánh cắp chiến thắng” khi quân đội Azerbaijan chỉ còn một bước nữa là có thể chiếm được Stepanakert (thủ phủ của khu vực Nagorny-Karabakh hiện do Cộng hòa Artsakh tự xưng thân Armenia kiểm soát)”.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 9-11 giữa Armenia và Azerbaijan do Nga làm trung gian, Moscow đồng ý cử đội gìn giữ hòa bình gồm 2.000 người và thiết lập 16 điểm quan sát xung quanh Nagorny - Karabakh. Trước đó, Nagorny - Karabakh là khu vực xung đột không có có sự tham gia của Nga. Azerbaijan cũng là quốc gia duy nhất ở Nam Caucasus không có sự hiện diện quân sự của Nga trên đất của mình. Vì vậy với phương Tây, động thái của Nga khiến họ lo ngại.

Theo các nhà phân tích, giờ đây Mỹ sớm nhận thấy áp lực phải can dự vào khu vực Nagorny - Karabakh. Vì vậy, điều quan trọng là Washington phải đánh giá tình hình bằng cách xác định những lợi thế và bất lợi của thỏa thuận để xác định các cơ hội cho chính sách đối ngoại của mình.

Mỹ có nhiều lợi ích chiến lược ở Azerbaijan. Nước này đã bảo đảm với Mỹ về một hành lang ở phía Tây có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy của các nguồn năng lượng từ biển Caspi thông qua đường ống dẫn dầu qua Gruzia đến biển Đen. Đây là tuyến đường năng lượng Đông Tây duy nhất từ Trung Á đến các thị trường thế giới không đi qua Nga hay Iran. Cả chính quyền Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đều coi đây là vấn đề trọng tâm.

Về mặt lý thuyết, Mỹ, Pháp và Nga chủ trì Nhóm Minsk, được thành lập vào năm 1992, với trách nhiệm giám sát việc giải quyết tranh chấp ở Nagorny - Karabakh. Tuy nhiên, thỏa thuận hiện tại giữa Azerbaijan và Armenia chỉ có Nga làm trung gian, ngoại giao phương Tây đã bị gạt ra ngoài lề. 

Hơn thế nữa, sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn, chính phủ của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hứng chịu sức ép khi hàng ngàn người biểu tình phản đối và yêu cầu ông từ chức vì cho rằng Armenia quá nhượng bộ trước Azerbaijan. Chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashinyan lên nắm quyền ở Yerevan kiểu “cách mạng màu” vào năm 2018 với hy vọng xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với phương Tây. Tuy nhiên, thất bại quân sự trước Azerbaijan đã buộc ông Pashinyan nhượng bộ và giờ phải đối mặt với sự phẫn nộ từ người dân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo bất kỳ ai kế nhiệm ông Pashinyan cũng phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Theo Tổng thống Putin, lệnh ngừng bắn ở Nagorny - Karabakh đóng vai trò rất quan trọng, tạo tiền đề để đưa tình hình khu vực trở lại bình thường. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngày 19-11 cũng đánh giá cao những nỗ lực của phía Nga nhằm giải quyết xung đột Armenia - Azerbaijan, đồng thời khẳng định “Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là quốc gia có chung biên giới với khu vực của chúng tôi và có mối quan hệ lịch sử lâu đời với nó. Điều này giải thích việc Nga có lợi ích trực tiếp trong việc tăng cường an ninh, ổn định và hòa bình ở Nam Caucasus”.

Tin cùng chuyên mục