Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh khi giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực trong thời gian ngắn, từ nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Một thành tựu khẳng định năng lực và vai trò của nông hộ. Nhưng giờ đây, sự phát triển này đã đến điểm tới hạn, cần một động lực mới làm đầu tàu để “kéo” các “toa” - nông hộ, cùng tiến ra thị trường lớn vì hội nhập luôn đi đôi cùng cơ hội và thách thức...
“Độ trễ” hay hậu quả của chính sách?
Đó là vấn đề đặt ra của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ở TPHCM tuần qua. Giai cấp nông dân đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình khi nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái. Thế nhưng, nếu duy trì cách làm và tư duy cũ, phát triển nông nghiệp dựa trên trụ cột là lúa gạo sẽ khó có thể phát triển được hơn nữa trong tình hình mới. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT, cho rằng nguồn lực lớn từ doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông thôn một cách bền vững, chưa thật sự được khơi thông. Chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã có nhưng chưa đủ sức hấp dẫn. Việc kêu gọi doanh nhân đầu tư ở nông thôn mới dừng lại ở mức “đền ơn đáp nghĩa” hơn là đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho nông dân. DN đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả thấp, thiếu ổn định, nhiều rủi ro. Mặc dù nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích nhưng khi triển khai vẫn còn khoảng cách khá lớn. Hai mâu thuẫn trong hiện đại hóa nền nông nghiệp còn tồn tại là sản xuất nhỏ với thị trường lớn và giữa hiệu quả thấp với tỷ lệ rủi ro cao.
Nuôi bò sữa tại Công ty Bò sữa TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều “đại gia” nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây được dư luận chú ý, nhưng theo TS Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới DN trung ương, nhìn tổng thể sau 3 năm, số DN đầu tư vào nông nghiệp giảm từ 1,6% xuống còn dưới 1% trong tổng số DN; trong đó, DN đầu tư nước ngoài - FDI chỉ chiếm 3%, tổng vốn đầu tư cũng rất thấp, khoảng 1% và chiếm 2,3% về lao động. Đây là “độ trễ” của chính sách hay hậu quả của chính sách? Vấn đề này vẫn còn có những nhìn nhận khác nhau về sự thành - bại của chính sách.
Về khách quan, đặc thù của sản xuất nông nghiệp là phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, thiên tai (bão, lũ, khô hạn), dịch bệnh… Trong khi, cơ sở hạ tầng để kêu gọi DN đầu tư hầu như chưa có gì hoặc rất thấp, chất lượng lao động nông thôn hầu hết chưa qua đào tạo, vẫn là sản xuất nhỏ lẻ. Một ngành chỉ tăng 3% mỗi năm, dù có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh đến đâu thì cũng không ai muốn bỏ tiền đầu tư. Về chủ quan, theo TS Phạm Quốc Doanh, từ nhận thức và quan điểm cho đến lúc này vẫn chưa có sự nhất quán. Là một trong những người chấp bút soạn dự thảo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhưng giữa bên soạn thảo và bên thẩm định chưa có sự tương đồng. Chính sách ban hành chưa đủ mạnh, chưa đủ sức kéo DN về nông thôn đầu tư nên phải có thêm Nghị định 210/2013/NĐ-CP với những ưu đãi thiết thực hơn.
Chưa công bằng
Để dẫn dắt nông hộ đi đúng hướng, vai trò của DN phải được khẳng định và là chủ lực với các chính sách thiết thực kèm theo để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư. Đồng thời, tập hợp nông hộ lại thành các tổ hợp tác hay hợp tác xã đích thực để làm cầu nối với DN. DN nông nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập, biểu hiện trên 2 mặt: DN là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa, đưa công nghệ vào nông nghiệp; dẫn dắt kinh tế nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã cùng phát triển. DN đi đầu trong tổ chức lại sản xuất chuỗi giá trị, từ tổ chức quy mô sản xuất, đất đai đến tổ chức lại lao động và là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường. DN là trọng tâm nhưng không thể quên vai trò của nông dân. Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam có lợi thế so sánh về nông nghiệp và vẫn phải nhờ vào nông dân. Vì vậy, khi nói về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần lưu ý 4 yêu cầu: Quy mô sản xuất, khả năng hấp thu công nghệ - đồng vốn, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm và đặc thù văn hóa - xã hội cùng lợi ích của nông dân.
Để thu hút DN, cần phải tháo gỡ những rào cản. Đó là đất đai, vấn đề lớn nhất mà DN gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp. Dù các địa phương có chính sách khuyến khích nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế để DN mở rộng quy mô sản xuất và đồng hành cùng DN. Trong khi DN đến thuê đất trong khu công nghiệp được miễn tiền thuê đất 5 năm đầu và giảm 50% thuê đất 5 năm tiếp theo, còn DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn phải tự thương lượng (mua lại đất) với người dân, sau đó phải đóng thuế sử dụng đất và thuê lại của nhà nước trên chính miếng đất này. Vì vậy sẽ rất khó thu hút DN vào nông nghiệp nếu không có hệ thống chính sách rõ ràng, nhất là về đất đai.
CÔNG PHIÊN