Vai trò y tế dự phòng trong phòng chống dịch

Cùng với cả nước, Đồng Nai đã huy động toàn bộ lực lượng y tế dự phòng ra quân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) vừa mới ổn định tổ chức từ cuối năm 2019 có dịp được “thử lửa” và nhanh chóng phát huy hiệu quả với vai trò nòng cốt trong phòng chống dịch. Kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 sẽ là những bài học giá trị để tỉnh kiểm soát tốt các loại dịch bệnh ở địa phương.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thực hiện xét nghiệm trên hệ thống máy Real-time PCR

Lực lượng chủ công 

Khi dịch Covid-19 xảy ra thì Đồng Nai trở thành trung điểm giữa 2 ổ dịch ở TPHCM và Bình Thuận. Một số bệnh nhân ở Bình Thuận di chuyển qua địa bàn, có tiếp xúc với người dân địa phương, đồng thời cũng xuất hiện bệnh nhân thứ 247 lây từ bệnh nhân 124 (TPHCM). Người này đã tiếp xúc gần, làm việc với nhiều người trong công ty tại một khu công nghiệp thuộc huyện Vĩnh Cửu, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng ở mức rất cao. Do đó, để đối phó với dịch Covid-19, ngành y tế Đồng Nai đã huy động tối đa lực lượng hiện có của y tế dự phòng từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó CDC tỉnh là chủ công, để thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: Không để lây lan ra cộng đồng ngay từ khi chưa có ca bệnh và chống dịch bệnh lây lan khi xuất hiện ca bệnh. Tỉnh đã đưa vào quản lý 4.000 người từ các bệnh viện đến các trung tâm cách ly, cách ly - theo dõi tại nhà, với mục tiêu cao nhất là kiểm soát được nguồn lây nhiễm. 

Ngay từ đầu, CDC Đồng Nai đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xác định ca bệnh thứ 247 ở Vĩnh Cửu là ổ dịch để tập trung ngăn chặn, tránh chủ quan. Toàn bộ quân số với 100 người của CDC Đồng Nai được huy động; trong đó, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm đóng vai trò nòng cốt, được chia thành 3 đội phản ứng nhanh (mỗi đội 7 người) luân phiên trực 24/24 giờ.

CDC chủ động điều tra dịch tễ 27 người tiếp xúc gần với ca bệnh thứ 124, nhờ đó đã chủ động phát hiện ra ca bệnh thứ 247 khi sắp hết thời gian cách ly (kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu, nhưng đến ngày thứ 13 đã phát hiện dương tính). Từ đầu tháng 4, CDC Đồng Nai thực hiện xét nghiệm hàng loạt để chủ động phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, ngăn chặn virus lây lan ra cộng đồng.     

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC Đồng Nai, tâm sự: “Anh em đội phản ứng nhanh làm việc rất vất vả, có khi trong đêm phải tổ chức lực lượng lên sân bay Tân Sơn Nhất đón người từ nước ngoài về để đưa ngay đến chỗ cách ly tập trung, nói chung là bất kể giờ giấc”. 

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, khẳng định: “Kinh nghiệm huy động lực lượng y tế dự phòng trong phòng chống Covid-19 sẽ được vận dụng, phát huy trong công tác phòng chống bệnh tật tại Đồng Nai thời gian tới. Đó là tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống 3 cấp như hiện nay, gồm CDC Đồng Nai, các trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế tuyến xã. Ngành y tế giữ vai trò điều phối nhân lực, phương tiện hợp lý, đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời về công tác chuyên môn; đồng thời chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân tăng cường hỗ trợ về con người, cơ sở vật chất, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - yếu tố quyết định kiểm soát tốt các loại dịch bệnh”.

Huy động sức mạnh cộng đồng kiểm soát dịch bệnh

Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là ý thức chấp hành của người dân, Đồng Nai đã cùng cả nước kiểm soát dịch Covid-19, góp phần vào thành công của cả nước. Tính đến hết tháng 4, tỉnh Đồng Nai chỉ ghi nhận một ca bệnh và đã xuất viện, không xuất hiện dịch lây lan ra cộng đồng.

Khi được hỏi CDC Đồng Nai rút ra được bài học gì qua công tác phòng chống dịch Covid-19 lần này, bác sĩ Bình cho biết: “Trước đây khi chưa có mô hình CDC thì nhiều đầu mối, giờ chỉ tập trung một đầu mối nên giúp trung tâm dễ dàng điều phối, huy động được tối đa nhân lực, vật lực cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu các bệnh, dịch khác (trong đó có dịch sốt xuất huyết) tập trung được 30% nguồn lực như hoạt động phòng chống dịch Covid-19 này, thì nhiều dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn”. 

Tuy vậy, hoạt động của CDC tỉnh cũng còn mặt hạn chế, cần được quan tâm trong thời gian tới. Đó là, CDC Đồng Nai tuy có hơn 60 bác sĩ với hơn 50% có trình độ sau đại học, nhưng vẫn còn thiếu các chuyên gia theo các nhóm bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, dinh dưỡng, truyền thông sức khỏe, môi trường. Đồng Nai là tỉnh dân số đông đứng thứ 4 cả nước, cần đầu tư một hệ thống Labo xét nghiệm mạnh với máy xét nghiệm sinh học phân tử (Real-time PCR) để có thể chủ động xét nghiệm các yếu tố liên quan đến bệnh nghề nghiệp, bệnh về suy dinh dưỡng mà không cần nhờ TPHCM (CDC Đồng Nai đang có một máy xét nghiệm Real-time PCR cũ, vừa qua bị hư nên đã phải mượn máy của doanh nghiệp dùng tạm).

Tin cùng chuyên mục