
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Từ năm 2006, qua khảo sát, các cơ quan chức năng đã tiến hành chôn lấp khoảng 94.000m³ đất và trầm tích nhiễm dioxin (chất độc da cam) tại khu vực sân bay Biên Hòa với công nghệ tiên tiến, bền vững. Khu vực bị ô nhiễm đã được xây dựng hàng rào bằng bê tông. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, hiện nay khu vực sân bay Biên Hòa vẫn còn 240.000m³ đất và trầm tích nhiễm dioxin cần được xử lý.

Hồ nước trong Công viên Biên Hùng bị ô nhiễm dioxin.
Hồ dioxin
Chúng tôi giật mình khi nghe ông Trần Văn Thông, chạy xe ôm, nhắc đến một địa danh nghe thật khủng khiếp: “hồ dioxin”. Không ở đâu xa, mà ngay tại Công viên Biên Hùng. Chúng tôi đến nơi quan sát, thấy nước xanh phẳng lặng, thật yên bình, hồ nước này nằm ở khu vực trũng nhất, tích tụ theo các dòng mạch nước ngầm từ sân bay Biên Hòa. Ông Thông cho biết: “Khi xưa, nhiều người đã đến đây câu cá, hái rau xanh mọc dại ven hồ để ăn. Cách nay hơn chục năm, chính quyền địa phương công bố hồ Biên Hùng bị nhiễm chất độc dioxin, cảnh báo người dân không ăn cá và rau xanh ở đây. Dù đã cảnh báo như vậy, nhưng vẫn có người lén đến câu cá, hậu quả không biết ra sao mà lường”.
Cách Công viên Biên Hùng không xa, rẽ trái vào hẻm 354 đường 30 Tháng 4 (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa), là khu dân cư Xóm Bay. Khu dân cư này giáp ranh với sân bay Biên Hòa. Trước đây, sân bay không có tường rào nên cư dân ở đây đã lén vào sân bay đào sắt vụn, thu nhặt phế liệu, câu cá và trồng trọt ở trong đó. Đến khi biết tin sân bay Biên Hòa bị nhiễm dioxin thì trong Xóm Bay đã có hàng loạt trẻ em sinh ra bị dị tật, ngớ ngẩn, phát triển không bình thường. Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Võ Hồng Sơn (số 354/8 đường 30 Tháng 4), thấy ông đang cho con gái là Võ Vũ Hồng Hải (19 tuổi) ăn cơm trên chiếc xe lăn. Gần 20 tuổi, nhưng Hồng Hải phát triển không bình thường, nói ngọng nghịu, 2 chân bị liệt, tay còng queo, không cầm nắm được cái gì. Ông Sơn buồn bã tâm sự: “Tôi về đây sinh sống từ lúc nhỏ. Vợ tôi cũng là người ở vùng này. Trước đây, chúng tôi vào sân bay đào bới phế liệu. Nhiều lúc ngâm mình trong hồ nước để lặn mò. Hồ nước lúc ấy đục ngầu và có mùi khen khét, khăm khăm, khó chịu lắm. Mấy lần đầu bị ngứa mình, nhưng riết rồi cũng quen. Vợ chồng tôi đâu ngờ hậu quả quá khủng khiếp!”. 2 con của vợ chồng anh Sơn đều bị nhiễm chất độc dioxin.
Đánh giá cẩn trọng tác động môi trường
Theo đánh giá của dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” thực hiện năm 2013 của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33, Bộ TN-MT) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), qua khảo sát tại 28 hồ ao, hố đất mới đào ở sân bay Biên Hòa, đều phát hiện ô nhiễm dioxin. Đó là chưa kể 13 điểm đã xác định trước đây. Theo nhiều nguồn tư liệu, tại sân bay Biên Hòa, quân đội Mỹ đã lưu giữ hơn 100.000 thùng phuy loại 200 lít chứa dioxin và các hóa chất khác trong khoảng thời gian từ cuối năm 1969 đến tháng 2-1970, tại sân bay đã có ít nhất 4 sự cố gây chảy tràn chất da cam và hóa chất. Ông Lư Thành Nam, chuyên viên Ban Chỉ đạo 33 tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 13.147 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có gần 5.000 nạn nhân được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang tập trung phân tích số liệu để xác định số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam do ăn uống, sinh hoạt, trồng trọt, đào bới phế liệu… liên quan đến sân bay Biên Hòa”. Gần đây, nỗi lo nhiễm dioxin của người dân thêm tăng cao khi có thông tin sân bay Biên Hòa đang thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt của bộ đội, phòng cháy chữa cháy, cảnh quan môi trường…
Được sự hỗ trợ của ông Nguyễn Lục Hòa, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã tiếp xúc các sở, phòng nghiệp vụ của tỉnh, nhưng thông tin về dự án xây dựng hồ chứa nước vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Công - Nông nghiệp, cho biết: “Do là đất quốc phòng, UBND tỉnh Đồng Nai không có thẩm quyền tham gia đánh giá tác động môi trường. Nhưng theo tôi, với dự án có quy mô khoảng 20ha, thực hiện trong 10 năm thì Bộ Quốc phòng có bước thông qua Hội đồng khoa học đánh giá tác động môi trường, cũng như xem xét vấn đề ô nhiễm dioxin”.
Trong đơn phản ánh gửi đến Báo SGGP, nhiều cư dân địa phương thắc mắc: Cũng liên quan đến ngăn ngừa nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản 10197/UBND-CNN về việc tạm dừng đầu tư xây dựng khu thương mại và xúc tiến đầu tư quốc tế; vậy tại sao lại chưa kiến nghị dừng dự án xây dựng hồ chứa nước tại khu vực sân bay Biên Hòa?”. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Lục Hòa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, giải thích: “Dự án khu thương mại và xúc tiến đầu tư quốc tế nằm tại khu vực vành đai sân bay Biên Hòa và gần khu vực ô nhiễm nặng, dù đã được xử lý. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản 10197/UBND-CNN và đề nghị thành lập Hội đồng khoa học thẩm định lại vấn đề ô nhiễm. Trong lúc chờ đợi thông qua hội đồng thẩm định, chính quyền tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng thi công. Việc này thuộc thẩm quyền tỉnh Đồng Nai”. Như vậy, nỗi lo của người dân về ô nhiễm dioxin do làm hồ chứa nước trong sân bay Biên Hòa vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
ĐOÀN HIỆP