(SGGPO).– Hôm nay 5-11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Đây là nội dung rất quan trọng, vì thế Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận để QH thông qua dự thảo cuối kỳ họp này.
Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết các ĐBQH tán thành về dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn được các ĐBQH tiếp tục thảo luận, trong đó tập trung nhiều vào vấn đề thu hồi đất đai, mô hình chính quyền địa phương...
Cần hiến định vai trò của lực lượng doanh nghiệp?
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và một số ĐBQH khác thống nhất toàn bộ nội dung Điều 4 của dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng. Dù đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi giải trình không đưa từ “duy nhất” vào nội dung khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) vẫn bảo lưu ý kiến đề nghị khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đồng ý không thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng không nên để trống cơ chế về bảo vệ Hiến pháp. Nếu không thành lập thì phải quy định rõ trách nhiệm của QH, các Ủy ban của QH, nhất là Ủy ban Pháp luật của QH, các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đồng ý giữ nguyên tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định quyền con người và công dân. Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội quan trọng như Trung ương Đoàn, phụ nữ, cựu chiến binh... cần được khẳng định trong Hiến pháp. Đây cũng là ý kiến của các ĐB Đặng Công Lý (Bình Định), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh)... Ngoài ra, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự thảo Hiến pháp đã đưa doanh nhân vào, nhưng vai trò của doanh nghiệp chưa được thể hiện, nhất là với vai trò khuyến khích, mà chỉ đưa doanh nghiệp là đối tượng bị giám sát. Cần khẳng định, Nhà nước khuyến khích, động viên doanh nghiệp phát triến sản xuất kinh doanh. Vì họ là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, đã được Chính phủ ghi nhận bằng việc có ngày doanh nhân trong năm. Đất nước có hàng triệu doanh nhân, hơn 500.000 doanh nghiệp, họ đang là đội ngũ đứng mũi chịu sào trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Họ đang nỗ lực chống chọi khó khăn để tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chấn hưng đất nước, vì vậy Hiến pháp nên ghi nhận vai trò của họ.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) thắc mắc Hiến pháp không đả động gì đến lĩnh vực thể dục thể thao toàn dân, giáo dục thể chất trong nhà trường, trong khi đó là yếu tố rất quan trọng để nâng mức tuổi thọ của người dân, phát triển thể lực người Việt Nam. Ngoài ra, phát triển du lịch rất quan trọng đối với kinh tế-xã hội, nhưng sửa đổi Hiến pháp lần này rất xem nhẹ lĩnh vực này khi bỏ hết các điều về nội dung các vấn đề này. Cần giữ lại hoặc lồng ghép vào các điều khác. Đây cũng là ý kiến của một số ĐBQH khác như ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).
Nên khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người dân?
Rất nhiều ý kiến ĐBQH tập trung góp ý về vấn đề thu hồi đất được nêu trong dự thảo. ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) và nhiều ĐB khác cho rằng việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu quy định cứng trong Hiến pháp thì không tránh khỏi lạm dụng. “Cần hiến định chặt chẽ để tránh lạm dụng quyền sử dụng đất của nhân dân. Chỉ cần quy định thu hồi đất đai vì lợi ích an ninh quốc phòng, vì lợi ích công cộng là đủ, còn cụ thể sẽ do Luật Đất đai quy định”- ĐB Trần Đình Thu đề xuất.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng đề nghị vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không nên hiến định, nên để luật định sẽ cụ thể hơn, tránh lạm dụng. “Quyền sử dụng đất, rất nhiều, nếu ghi hết sẽ rất dài trong Hiến pháp, vì vậy Hiến pháp không cần ghi, mà cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người dân, vì để có đất người ta phải bỏ tiền ra mua. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ, chỉ cần vậy là đủ, quyền tài sản bao gồm tất cả các quyền khác”- ĐB Bùi Mạnh Hùng đề nghị và cho biết, thu hồi đất cần được đặc biệt quan tâm, vì nó là yếu tố dẫn đến các xung đột. Ông Hùng băn khoăn Hiến pháp ghi thu hồi đất trong trường hợp cần thiết. Như thế nào là cần thiết, vì vậy đề nghị ghi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết theo luật định và phải do QH, HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định.
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng đề nghị thu hồi đất bảo đảm công bằng, trách nhiệm. Chỉ có Nhà nước mới có quyền trưng dụng và thu hồi đất. “Quyền này phải thể hiện cụ thể trong Hiến pháp. Thay vì hạn chế quyền thu hồi của Nhà nước thì yêu cầu Nhà nước bảo đảm trách nhiệm khi thu hồi. Cử tri cho rằng xác định trách nhiệm khi thu hồi đất là cách để bảo đảm thu hồi đất một cách chính xác, hiệu quả nhất”- ĐB Phan Văn Tường nói. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) bày tỏ, nhân dân đang mong đợi Hiến pháp và Luật Đất đai lần này sẽ giải quyết được vấn đề thu hồi đất đai. ĐB tán thành Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, nhưng phải công khai, minh bạch, được bồi thường thỏa đáng và Luật Đất đai cần quy định thật cụ thể các trường hợp phải thu hồi đất.
Nội dung chính quyền địa phương chưa ổn
Về chính quyền địa phương, theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đây là lần cuối cùng QH tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhưng nội dung về chính quyền địa phương vẫn chưa rõ. Đề nghị tổ chức lấy ý kiến ĐBQH ngay trong kỳ họp này để QH có cơ sở thông qua Hiến pháp tại kỳ họp này.
ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) góp ý, Hiến pháp nên quy định HĐND, UBND được thành lập ở các đơn vị hành chính như Hiến pháp 1992, nhưng ở các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì không cần HĐND. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nêu hiện nay đang thí điểm, chưa tổng kết việc bỏ HĐND quận huyện phường, lần đầu tiên Hiến pháp có khái niệm chính quyền địa phương, vì vậy mô hình cụ thể cần được luật hóa trong Luật HĐND. ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) phát biểu, về đơn vị hành chính thì mới bổ sung ở khu vực kinh tế đặc biệt mà chưa quy định ở vùng hải đảo, trong khi đây là khu vực rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh biển Đông vẫn đang phức tạp hiện nay. Cần bổ sung đơn vị hành chính ở khu vực kinh tế đặc biệt, hải đảo vào hệ thống đơn vị hành chính của cả nước.
Theo dự thảo sửa đổi, một số địa phương không tổ chức HĐND, trong khi đó hầu hết các địa phương giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương có đầy đủ HĐND ở 3 cấp. Vì vậy, nhiều ĐB đề nghị giữ nguyên mô hình có đủ HĐND, UBND 3 cấp như hiện nay; đối với đơn vị hành chính là hải đảo, kinh tế đặc biệt thì UBND được thành lập theo luật định. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, phương án về chính quyền địa phương chưa thuyết phục, lại chưa có việc tổng kết thực tiễn nên dẫn đến vẫn nhiều ý kiến khác nhau. Đa số địa phương vẫn mong muốn giữ mô hình có đủ HĐND và UBND đầy đủ 3 cấp, cho thấy ý tưởng tổ chức chính quyền địa phương thiếu HĐND là thiếu thực tiễn, vì vậy chưa có đủ căn cứ để QH thông qua. Giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi cũng chưa thuyết phục. Cần thiết kế lại một số điều của chương chính quyền địa phương để QH xem xét, quyết định. Cần hiến định chính quyền địa phương theo hướng mở, ở đâu có đơn vị hành chính, ở đó có chính quyền địa phương.
- ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) và nhiều ĐB khác đề nghị hiến định về lực lượng vũ trang, theo hướng khẳng định vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc của lực lượng này. - ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) tán thành về chế độ kinh tế, trong đó khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, vì kinh tế nhà nước và DNNN là 2 khái niệm khác nhau. DNNN có thể mất vai trò chủ đạo nhưng không có nghĩa kinh tế Nhà nước mất chủ đạo. |
PHAN THẢO