Ván cờ mạo hiểm

Vai trò đầu tàu của nhà lãnh đạo nước Pháp Nicolas Sarkozy trong hai chiến dịch quân sự ở Libya và Bờ Biển Ngà hiện đang nhận nhiều chỉ trích hơn khen ngợi. Giới truyền thông quốc tế đều cho rằng sự can thiệp “hăm hở” của nước Pháp chỉ nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi của ông Sarkozy trước kỳ bầu cử năm 2012.

Về đối ngoại, Pháp can thiệp vào Bờ Biển Ngà nhằm mục đích cho Đức thấy, để châu Âu có một vai trò toàn cầu thực sự, châu lục này cần phải có khả năng quân sự và ngoại giao. Pháp muốn lưu ý Đức việc kết hợp giữa sức mạnh kinh tế của Đức và sức mạnh quân sự của Pháp có thể nâng cao vị thế của châu Âu.

Khi những biến động chính trị xảy ra tại Ai Cập và Tunisia, Pháp bị coi là “mất mặt” do gần như không phát huy vai trò gì với khu vực được coi là “sân sau” của nước này trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, trước cuộc nổi dậy của dân chúng Libya, Tổng thống Sarkozy quyết định ra tay trước. Sau đó là can thiệp quân sự tại Bờ Biển Ngà. Máy bay trực thăng của Pháp tấn công nơi trú ẩn của Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo ở Abidjan.

Chưa xem xét hành động quân sự của Pháp có thực sự phù hợp với luật pháp quốc tế hay không, nhưng chỉ riêng việc sử dụng máy bay tấn công một địa điểm có tính biểu tượng cao như dinh tổng thống đã thành hành động gây nhiều tranh cãi. Tờ Independent nhận định, việc Pháp can thiệp vào Bờ Biển Ngà nhằm mục đích giành lại ảnh hưởng tại đây, trước vị thế đang lên của Trung Quốc, quốc gia đang trở thành đối tác chiến lược tại Bờ Biển Ngà.

Ngay cả khi thành công về mặt quân sự, chính trị, Pháp vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Với vị thế là nước thực dân cũ, hành động của Pháp có thể khiến tâm lý chống Pháp ở Bờ Biển Ngà và châu Phi ngày càng cao. Trên thực tế, Liên minh châu Phi (AU) đã lên tiếng phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Bờ Biển Ngà.

Pháp còn là một trong những nước có số dân nhập cư Bắc Phi nhiều nhất thế giới. Nỗ lực ngăn chặn một cuộc thảm sát tại Libya có thể nhận được sự đồng cảm lớn, nhưng chiến sự leo thang lại dẫn tới biểu tình mạnh mẽ tại Libya có thể dẫn đến làn sóng phản đối ông Sarkozy ngay trong nước.

Trong nước, hai cuộc thăm dò dư luận do báo Le Parisien và Liberation tổ chức cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy đang ở mức thấp kỷ lục: 23% và 22%. Thời điểm nước Pháp mới tham chiến tại Libya, đảng cầm quyền của Tổng thống Sarkozy bị nếm mùi thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương.

Cũng theo thăm dò dư luận, Tổng thống Sarkozy hiện chỉ đứng thứ ba, sau hai ứng viên Đảng Xã hội và Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia trong kỳ bầu cử Tổng thống 2012. Như vậy, kể từ khi Pháp tiên phong trong 2 chiến dịch quân sự, chưa có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ông Sarkozy gia tăng.

Chiến dịch quân sự tại Libya chưa kết thúc. Xung đột tại Bờ Biển Ngà chấm dứt nhưng tình hình chưa yên ổn. Vì thế, kế hoạch đẩy mạnh uy tín nước Pháp trong chính trường thế giới của ông Sarkozy vẫn chưa rõ sẽ thành công hay không? Nếu mọi việc suôn sẻ, Tổng thống Sarkozy sẽ khẳng định vai trò của mình trong một cuộc khủng hoảng. Ngược lại, sẽ là một tính toán sai lầm tai hại. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục