
Còn hơn 3 tháng nữa mới đến kỳ tuyển sinh đại học (ĐH). Thế nhưng không chỉ thông tin tư vấn của ngành giáo dục (GD) nóng lên từng ngày, mà các phương tiện thông tin đại chúng cũng rầm rộ tham gia. Dù các thí sinh được tư vấn kỹ như vậy, nhưng theo nhiều công trình nghiên cứu, có ít nhất 1/3 sinh viên (SV) đã rơi rụng trong quá trình học tập tại các ĐH! Vấn đề gì đang xảy ra trong quá trình tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực cho nước nhà?
Có những công dân còn... bé!
18 tuổi – cái tuổi các thí sinh của kỳ thi tuyển sinh ĐH đã có đầy đủ quyền công dân, đã tham dự vào các cuộc bầu cử, đồng thời cũng đã phải chịu trách nhiệm trước luật pháp về các hành vi của mình. Thế mà, các em bỗng chốc trở nên… bé nhỏ, “ngu ngơ lắm, dại khờ lắm, chẳng biết gì” từ việc chọn một định hướng nghề nghiệp tương lai đến kiếm cho mình một ngôi trường thích hợp để thi (!?). Thế là một “nền công nghiệp tư vấn” khổng lồ lao vào khai thác cái khoảng trống kiến thức này.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH quốc gia TPHCM giải đáp các thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 tại Trường THPT Trung Phú, Củ Chi. Ảnh: M.H.
Từ cấp Bộ GD-ĐT, chỉ với cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH 2006” cũng mang lại tiền tỷ, và hàng loạt cuốn cẩm nang tuyển sinh của các cơ quan báo khác cùng với các cuộc tư vấn trực tuyến, tư vấn tuyển sinh đến tận trường phổ thông.
Chưa kể có những chương trình tư vấn còn khuyến mãi thí sinh bằng những chiêu tặng quà khá hấp dẫn! Một khoản tiền không ít – thông qua phương thức tài trợ của các doanh nghiệp - đã được đổ vào những chương trình tư vấn này.
Nhiều nhà giáo đã tự hỏi: Các em “ngu ngơ” đến thế sao? Hay đã có dấu hiệu sút giảm sự năng động của giới trẻ? Hay đây là hậu quả của một chính sách tuyển sinh còn không ít rối rắm?
Rơi rụng trong đào tạo, do tuyển nhầm hay ngồi nhầm?
Nhiều công trình nghiên cứu từ cấp trường đến cấp quốc gia đều cho thấy, ít ra có khoảng 1/3 SV đã “ngồi nhầm chỗ” và rơi rụng trong quá trình học tập. Lý giải cho “sự kiện” này, một số nhà quản lý GD cho rằng trong đào tạo phải có sự sàng lọc! Nhưng, có một thực tế mà chưa nhà quản lý GD cấp vĩ mô nào trả lời cho xuôi: Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên cho thấy có tới 90% thanh niên muốn vào ĐH và thực tế chỉ có khoảng 10% vào được ĐH hoặc cao đẳng. Như vậy, điều dễ hiểu là trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, chúng ta đã tuyển được những học sinh ưu tú nhất vào giảng đường ĐH. Thế mà tỷ lệ rơi rụng trong quá trình đào tạo lại quá cao. Điều gì đang xảy ra với các em?
Tiếp tục nhìn vào những con số thống kê qua cuộc điều tra, có 31% SV đang học các ngành nghề khác với nguyện vọng ban đầu, có khoảng 15% muốn đổi ngành nghề đang học. Và thực tế có khoảng 20% SV ra trường định hướng sai nghề nghiệp dẫn đến chọn việc làm không phù hợp. Các tỷ lệ trên phải chăng phản ánh một “hiệu quả méo mó” của chính sách tuyển sinh hiện nay?
Với các nguyện vọng 1, 2, 3..., tưởng rằng chúng ta thương các em, song vô tình chúng ta đã đẩy một bộ phận SV vào bi kịch “việc làm” sau này. Bởi, với nguyện vọng 1, đấy cơ bản là nguyện vọng về tương lai nghề nghiệp sau này của các em, nhưng khi không đạt mong muốn, đến nguyện vọng 2, 3, đối với một bộ phận SV đó là cuộc chọn lựa theo điểm số, kiểu “nhắm mắt đưa chân”, miễn sao có được một chỗ ngồi ở giảng đường ĐH.
Một thực trạng khác cho thấy, không phải cứ là học sinh giỏi phổ thông vào ĐH đã là SV giỏi. Thống kê tại ĐH Bách khoa Hà Nội, có 68% HS giỏi ở phổ thông lại đạt kết quả học tập trung bình tại ĐH; tại ĐH Y Dược TPHCM, tỷ lệ này là 63% trung bình và 10% yếu kém; tại ĐH Giao thông vận tải khóa 43, có 8 SV bị buộc thôi học và 7 SV phải tạm dừng học tập...
Chúng ta hy vọng gì ở nguồn nhân lực chọn lựa nghề nghiệp theo kiểu này? Và phải chăng điều này minh họa cho tỷ lệ 42,7% SV khi ra trường mang tâm trạng làm đâu cũng được miễn có việc làm!
Về... “cải tổ tuyển sinh”
Mỗi một mùa tuyển sinh ĐH, trước những sự kiện bất cập trong quá trình tuyển sinh, Bộ GD-ĐT lại vội vã hứa hẹn sẽ cải tổ. Bao giờ Bộ “sẽ” dừng lại lời hứa này? Bộ đề ra điểm sàn tuyển sinh, nhưng có cam đoan trước công luận rằng không có trường ĐH nào “phá rào” như trong những mùa tuyển sinh trước không? Đây cũng là điểm dễ dẫn đến sự “suy diễn” của dư luận xã hội về hiện tượng tiêu cực đã phát sinh trong quá trình quản lý GD từ cấp bộ.
Để “giấu” sự náo loạn trong việc tuyển nguyện vọng 2, 3, Bộ yêu cầu thí sinh phải nộp đơn qua bưu điện, dù nhà có cạnh trường, nhưng thực tế có bao nhiêu trường chấp hành? Hàng loạt quy định của Bộ về công tác tuyển sinh đã bị thực tế “phá vỡ” và vô tình đẩy một số trường ĐH ở vào tình thế “phạm quy”. Từ đó gây ra dư luận râm ran: muốn được việc, các trường này “phải biết điều” (!?).
Rồi kỳ tuyển sinh năm nay, chưa thi mà đã rộ lên những “thách đố” trong việc ra đề thi như thế nào giữa học sinh học chương trình THPT phân ban và không phân ban. Tất nhiên câu trả lời của các nhà quản lý Bộ GD-ĐT: sẽ có tỷ lệ bắt buộc và tự chọn giữa 2 chương trình học. Vấn đề đặt ra là: nếu phần tự chọn cho HS phân ban mà Bộ “lỡ tay” ra khó, chẳng bằng “hại” HS phân ban, còn nếu “dễ” thì hại vô cùng cho HS chương trình cơ bản. Vì điểm thi chỉ cần hơn nhau nửa điểm là đủ “nốc ao”! Rồi đề môn thi ngoại ngữ theo chương trình 3 năm và 7 năm sẽ phải xử lý ra sao?
Thường mỗi năm, Bộ GD-ĐT mất 10 tháng để lo công tác tuyển sinh. Tháng 1 khởi động và ít ra đến tháng 10 mới tạm kết thúc đã tạo một không khí căng thẳng, đến độ mọi ngành trong cả nước đã phải vào cuộc, và mọi sự tốn kém chưa có điểm dừng mà hiệu quả thực sự vẫn là một ẩn số!
MAI LAN