Đợt kinh doanh cao điểm các mặt hàng bình ổn cung ứng cho mùa khai trường 2016-2017 vừa khép lại. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Nguyễn Huỳnh Trang (ảnh), Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, về thị trường, sức mua, giá cả hàng hóa và một số vấn đề phát triển sản phẩm trong những năm tiếp theo.
* PHÓNG VIÊN: Đánh giá của bà về diễn biến thị trường, sức mua trong mùa khai trường năm nay như thế nào? Riêng với Chương trình bình ổn Mùa khai trường, sức mua có đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) cũng như Tổ Công tác bình ổn thị trường?
* Bà NGUYỄN HUỲNH TRANG: Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường cho thấy sức mua chung đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm nay tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên thói quen mua sắm của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, nếu các năm trước nhu cầu thường tăng đột biến trong tháng 8 thì năm nay nhu cầu gần như rải đều qua các tháng. Cụ thể, mặt hàng cặp học sinh chủ yếu tăng vào thời điểm tháng 4 vì nhiều trường có nhu cầu chọn mua làm quà thưởng cuối năm học; mặt hàng tập học sinh chủ yếu tăng vào thời điểm 10 - 20 ngày trước khai giảng và thời điểm cuối học kỳ 1 (tháng 12, tháng 1), cuối học kỳ 2 (tháng 4, tháng 5); mặt hàng giày không tăng vào thời điểm đầu năm học do vào thời điểm khai giảng, các phụ huynh có nhiều khoản chi phí (học phí, phụ phí, đồng phục…) nên sẽ không mua giày mà tập trung mua vào thời điểm cuối năm hoặc gần tết, do tâm lý mua giày về sử dụng cả năm.
Với doanh nghiệp bình ổn thị trường (BOTT), nhờ mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, giá cả hợp lý nên doanh số bán hàng năm nay tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có mặt hàng tăng trưởng thấp hoặc giữ mức doanh thu tương đương năm trước như mặt hàng cặp học sinh.
Đánh giá chung về thị trường hàng hóa cũng như giá cả ở nhóm các mặt hàng cung ứng cho mùa khai trường, các thành viên Tổ công tác BOTT đều cho rằng, đây là năm tương đối ổn định cả về sức mua lẫn khả năng cung ứng hàng hóa. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu do cách làm BOTT đối với các mặt hàng cung ứng mùa khai trường đã triển khai ngay từ năm 2010, nay đi vào chiều sâu nên có sức lan tỏa mạnh mẽ và điều tiết tốt thị trường. Các DN đã tập trung đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí, tạo nguồn hàng bền vững; đồng thời phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp.
* Năm nay, số lượng hàng hóa thực hiện bình ổn là bao nhiêu? Chất lượng hàng cũng như giá bán bình ổn như thế nào, thưa bà?
* Chương trình BOTT năm nay có 15 DN tham gia, thực hiện BOTT 4 nhóm hàng, lượng hàng chiếm từ 35% - 40% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15% - 30% so kết quả thực hiện năm 2015; gồm 28 triệu cuốn tập, 450.000 bộ đồng phục học sinh, 1.369.000 cái cặp - ba lô - túi xách và 320.000 đôi giày, dép.
Để đáp ứng nhu cầu học sinh mùa khai giảng, các DN đã đưa ra thị trường 516 mẫu sản phẩm, đều mang thương hiệu uy tín như cặp Hami, cặp MR.Vui, cặp Miti, giày Tuvi’s, tập Vibook, quần áo Sanding… Giá bán hầu hết các sản phẩm trong chương trình BOTT năm nay tương đương năm 2015. Ngoài ra, chương trình có bổ sung thêm một số mặt hàng mặt bằng giá tương đối thấp, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để cung ứng đến người tiêu dùng.
Cặp học sinh thường in hình các nhân vật hoạt hình nước ngoài. Ảnh: THÀNH TRÍ
* Bà có thể cho biết, việc triển khai các điểm bán được thực hiện ra sao? Trong suốt mùa kinh doanh cao điểm, TP đã tổ chức được bao nhiêu chuyến bán hàng đến vùng sâu, vùng xa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn?
* Chương trình Mùa khai trường đã triển khai 824 điểm bán hàng, bao gồm hầu hết các hệ thống nhà sách uy tín như Fahasa, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ… đồng thời len lỏi, phủ kín các khu dân cư.
Điểm mới của năm nay là nhiều quận huyện như Gò Vấp, Tân Bình, quận 5, quận 10, quận 7… thực hiện nhiều chương trình kết nối, giới thiệu hàng bình ổn trực tiếp đến nhà trường, phụ huynh học sinh; đồng thời một số DN cũng được các quận, huyện, nhà trường tạo điều kiện tối đa để tổ chức các hoạt động giới thiệu, bán hàng lưu động trực tiếp tại trường ngay ngày khai giảng. Thông thường, các chương trình này giá bán sẽ được chiết khẩu giảm từ 10% - 20% so giá bình ổn do kết nối trực tiếp, giảm tối đa chi phí trung gian thương mại. Cách làm này đã mang lại lợi ích thiết thực cho các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Bên cạnh đó, công tác bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành được thực hiện định kỳ, thường xuyên và theo yêu cầu của các quận, huyện. Chỉ tính riêng trong tháng 7, tháng 8, các DN mùa khai giảng đã tham gia 218 chuyến bán hàng lưu động tập trung do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại TPHCM (Satra) làm đầu mối tổ chức.
* Trên thực tế, ở nhóm các mặt hàng cung ứng cho mùa khai trường, hàng Việt đã cơ bản chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn băn khoăn bởi hàng Việt chưa thể hiện và chuyển tải tốt nhất những tinh hoa của dân tộc. Thể hiện rõ nhất là hình ảnh trên những chiếc ba lô, cặp xách, trên bao bì tập vở vẫn bắt chước các nhân vật trong phim hoạt hình của nước ngoài, bà suy nghĩ gì về vấn đề này?
* Tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, DN có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc lựa chọn, sử dụng hình ảnh trên sản phẩm của mình để thu hút người tiêu dùng. Trong trường hợp này là hình ảnh các nhân vật hoạt hình nước ngoài, theo tôi đó là những hình ảnh có sự quen thuộc, thu hút tương đối lớn đối với các cháu học sinh.
Tôi cũng rất tâm tư về vấn đề này, để được sử dụng hình ảnh đó, các DN phải trả phí, tất nhiên cuối cùng người tiêu dùng phải gánh. Nhưng có phải các DN muốn điều đó hay họ không muốn chuyển tải tinh hoa dân tộc đến người tiêu dùng thông qua sản phẩm của mình? Trên thực tế, rất khó khăn để hỏi một cháu học sinh nào đó kể tên một vài nhân vật hoạt hình đáp ứng các điều kiện thuần Việt, quen thuộc và được yêu thích. Điều đó cho thấy, mặc dù ta có truyền thống văn hóa rất lâu đời, có nguồn nguyên liệu sáng tác bất tận nhưng chúng ta quá thiếu những hình ảnh thuần Việt có khả năng thương mại hóa.
Đó là một câu chuyện dài. Trước mắt, tôi muốn lưu ý các DN phải tôn trọng các quy định pháp luật và cam kết quốc tế khi sử dụng những hình ảnh có bảo hộ bản quyền thương mại trên sản phẩm của mình.
* Ở một số DN tham gia bình ổn có manh nha sẽ sản xuất ra những sản phẩm thuần Việt. Họ mong muốn sẽ đưa được nhiều nhất hình ảnh của những nhân vật kiệt xuất, những danh lam thắng cảnh của đất nước vào sản phẩm để các em có thể tiếp cận. Là đơn vị chủ công thực hiện các chương trình bình ổn, Sở Công thương sẽ có kế hoạch gì để giúp đỡ họ về mặt truyền thông cũng như đưa sản phẩm tiếp cận với các em học sinh?
* Tới đây, chúng tôi sẽ vận động và yêu cầu DN BOTT lưu ý đến vấn đề này. Trong đó, DN sẽ chủ động xây dựng phương án kinh doanh, đưa hình ảnh những nhân vật kiệt xuất, những danh lam thắng cảnh của đất nước… lên sản phẩm BOTT. Chúng tôi ủng hộ hết mình và chắc chắn chúng tôi cũng sẽ có những hỗ trợ cụ thể về truyền thông và kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa đối với những sản phẩm thuần Việt như thế.
* Xin cảm ơn bà!
THÚY HẢI (thực hiện)