Xe buýt là phương tiện công cộng quan trọng ở một TP đông dân như TPHCM. Đi xe buýt, tôi cảm thấy mối quan hệ giữa hành khách và nhân viên xe buýt (tài xế và tiếp viên bán vé) còn nhiều điều chưa tốt. Nhiều người dân lên tiếng chỉ trích thái độ của nhân viên xe buýt nhưng thực tế không phải nhân viên nào cũng có những biểu hiện thiếu thiện cảm. Rất nhiều bác tài, tiếp viên thân thiện với khách hàng, chỉ đường tận tình cho hành khách, đưa người già, trẻ em xuống xe cẩn thận…
Bên cạnh đó, hành khách cũng cần nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Nhiều hành khách có thái độ coi thường nhân viên xe buýt, ăn nói lỗ mãng. Nhiều sinh viên đi vé tháng, vé tập gian dối, xé lẻ tập vé (tập vé chỉ dùng cho một người), sau đó lấy giấy trắng cắt dán, độn lên để thành tập mới. Có nhiều người hút thuốc trên xe, nói chuyện lớn tiếng, khi nhân viên nhà xe nhắc nhở họ tỏ thái độ chống đối, thậm chí còn lớn tiếng cãi lại.
Một lần, tôi đón xe buýt số 8, đi từ Trường ĐH Bách khoa TPHCM đến Suối Tiên, thấy một nam sinh viên dùng vé tập từ tháng trước đó đưa cho cô tiếp viên, cô phát hiện được hành động gian dối nên tỏ ý trách móc nhưng không nặng lời với nam sinh viên. Lẽ ra, sinh viên này cần thể hiện sự biết lỗi hoặc phản ứng lại một cách lịch sự thì cậu ta lại làm thinh. Đến một bến xe buýt trên đường Kha Vạn Cân, sinh viên này tát vào mặt cô tiếp viên hai cái, rồi nhanh chân chạy trốn. Tài xế dừng xe đuổi theo, còn cô tiếp viên đứng khóc.
Chứng kiến sự việc trên, tôi nghĩ rằng xây dựng nét văn minh cho xe buýt cần có sự chung tay của cả nhà xe lẫn hành khách, cả hai cần có sự tôn trọng lẫn nhau.
LÊ MẠNH TÙNG