
Nhìn vào thị trường sách thiếu nhi hiện nay, đặc biệt là mảng truyện tranh, bên cạnh nỗi vui mừng vì sự đa dạng, phong phú của các thể loại, đề tài, nhiều phụ huynh vẫn thấy một nỗi lo: Thị trường truyện tranh vẫn còn thiếu trầm trọng những tác phẩm mang thương hiệu Việt, đậm nét văn hóa truyền thống Việt…
- “Dạy con từ thuở còn thơ”…

Sách luôn là niềm say mê của các em. Ảnh: T.N.
Trong những năm gần đây, trước xu thế lấn lướt của truyện tranh ngoại, nhiều đơn vị đã có cố gắng nâng cao chất lượng tác phẩm trong nước. Tuy nhiên, việc phát triển sách cho thiếu nhi có định hướng vẫn chỉ thuộc về trách nhiệm của một vài nhà xuất bản (NXB) nhà nước như: NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục…
Trên thực tế, thị trường sách thiếu nhi vẫn đang bị những ấn phẩm của nước ngoài lấn lướt. Một trong những xu hướng hiện nay là các nhà làm sách tư nhân đã vào cuộc với việc mua bản quyền, thực hiện những bộ truyện tranh cho các bạn đọc nhỏ tuổi .
Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều cần phải bàn. Do lực lượng họa sĩ, tác giả viết cho thiếu nhi còn rất mỏng nên các nhà làm sách chủ yếu là mua bản quyền tác phẩm các nước trên thế giới, dịch và phát hành tại Việt Nam. Phương thức này giúp cho các nhà làm sách dễ làm, dễ bán nhanh để thu hồi vốn. Đọc quá nhiều truyện tranh nước ngoài, các em vô tình đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng nền văn hóa của các nước đó.
Trong một lần trao đổi về sách cho trẻ em, nhà văn Tô Hoài đã trăn trở: “Sách viết cho thiếu nhi trước hết phải mang tính giáo dục, mà phải giáo dục một cách hồn nhiên”. Có thể nói sự tiếp nhận của trẻ em trong giai đoạn này hoàn toàn mang tính chất tự nhiên. Hiện tượng trẻ em Việt Nam thuộc sử Trung Hoa, phong tục tập quán của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới thông qua truyện tranh là điều dễ hiểu. Bởi các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã thành công trong việc quảng bá văn hóa của đất nước thông qua những bộ truyện tranh tưởng như rất bình thường ấy.
Sắp tới Nhật Bản còn đưa thể loại truyện tranh đặc trưng Manga làm vũ khí chính trong chiến lược ngoại giao văn hóa, là công cụ tiếp thị hình ảnh và văn hóa đất nước của họ. Qua đó để thấy rõ hơn vai trò không nhỏ của truyện tranh như Đôrêmon, Pokemon… và việc đưa văn hóa đất nước đi vào tâm hồn trẻ thơ trên chính mảnh đất ấy và ngày càng vươn rộng ra trên thế giới.
- Hành trình đi tìm truyện tranh Việt
Hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của một số NXB, một số công ty đã vào cuộc tham gia phát triển truyện tranh Việt Nam như: Công ty TNHH Phan Thị với bộ Thần đồng đất Việt, Truyện hay sử Việt… Có thể nói đây là một trong những cố gắng, nỗ lực của những người tâm huyết với dòng sách cho thiếu nhi với những câu chuyện cổ tích, những tâm gương hiếu thảo được truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt các em có dịp học sử Việt thông qua truyện tranh một cách tự nhiên và đầy thích thú. Vừa qua, NXB Trẻ phối hợp với Công ty Phát hành sách Khu vực II và NXB Kim Đồng tổ chức tuần lễ “Sách Thiếu nhi”.
Qua thống kê, phần lớn sách bán chạy là những danh mục sách truyện tranh của nước ngoài như: Eldest, Charlie Bone… Dạo quanh các gian hàng số lượng truyện tranh Việt Nam rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nằm khiêm tốn tại một góc hội sách. Từ đó, có thể thấy rằng truyện tranh Việt còn thiếu lực.
Họa sĩ Hoàng Tường từng trăn trở: “Việt Nam không có truyền thống làm truyện tranh. Nếu nói lý do tại sao truyện tranh Việt Nam chưa có phong cách riêng, theo tôi chính là không có phong cách làm truyện tranh chuyên nghiệp. Ở các nước phát triển, truyện tranh đều có nền móng vững chắc và trường phái riêng”.
Trung bình một họa sĩ chuyên nghiệp của Nhật hoàn thành một tập truyện tranh 200 trang phải làm việc cật lực trong 4 tháng. Trong khi đó sức làm việc và trình độ của các họa sĩ Việt Nam vẫn chưa được như vậy. Trước nhu cầu của thị trường, của bạn đọc, trong tương lai, truyện tranh Việt Nam bắt buộc phải tìm đường để phát triển. Trước mắt, chúng tôi xin thử đề xuất một số giải pháp: Trong hoàn cảnh còn thiếu đội ngũ tác giả sáng tác truyện tranh thiếu nhi, trong thương lượng mua bản quyền những tác phẩm hay của nước ngoài, chúng ta cũng nên tính đến việc làm sao có thể chuyển hoặc “Việt hóa” những tác phẩm ấy…
Hành trình đi tìm truyện tranh Việt vẫn còn nhiều khó khăn. Và cần lắm những người có tâm huyết, tài năng để làm nên diện mạo mới cho truyện tranh nước nhà…
THÙY DUNG