Thể loại không của riêng ai
Thuộc thế hệ 7X, là một tên tuổi nổi bật của văn chương đương đại, thành công với những tác phẩm thuộc thể loại hiện thực như Kín, Nháp, Phiên bản, Xác phàm…, mới đây nhà văn Nguyễn Đình Tú khiến không ít độc giả và đồng nghiệp ngạc nhiên khi chuyển hướng sang thể loại fantasy. Anh vừa có buổi ra mắt tiểu thuyết Bãi săn.
Nói về sự chuyển hướng này, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết: “Chính vì fantasy mới lạ khiến tôi muốn khám phá và chinh phục nó. Bản chất của văn học nghệ thuật là không lặp lại cái cũ, luôn làm mới mình. Đó là lý do tự thân. Còn lý do nữa là tôi tôn trọng độc giả, những người luôn chờ tôi ra sách mới và luôn thầm hỏi, với cuốn sách tiếp theo này tôi sẽ hiến tặng điều gì trong đó? Tôi muốn hiến tặng cái mà trước đó tôi chưa có”.
Từ sự quan sát của mình, theo nhà văn Phong Điệp, Phó trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, có 2 xu hướng “lên ngôi” đối với văn học trẻ năm 2019 là văn học phi hư cấu và văn học giả tưởng. “Điều này dựa trên quan sát của tôi trước sự chuyển dịch nhu cầu thưởng thức văn chương của độc giả những năm qua. Tất nhiên, mỗi người viết có “tạng” cũng như sở trường khác nhau nhưng nhu cầu của độc giả cũng rất cần được lắng nghe và đáp ứng. Vì vậy, thực tế thời gian qua một số người sáng tác cũng kịp thời có những điều chỉnh để không “lạc điệu” với công chúng. Bởi vậy, thị trường sách văn học chứng kiến sự “lên ngôi” của các cuốn sách giả tưởng và những cuốn sách mang tính trải nghiệm cá nhân trong quá trình khám phá vùng đất mới”, nhà văn Phong Điệp cho biết.
Dự cảm của nhà văn Phong Điệp không phải không có cơ sở, bởi cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 vừa kết thúc vào cuối năm rồi, đã xuất hiện một thế hệ nhà văn trẻ giàu nội lực và sẵn sàng thể nghiệm những xu hướng mới, trong đó có thể loại fantasy. Có thể chờ đợi và hy vọng ở những cái tên như Phạm Bá Diệp, Maik Cây, Nguyễn Dương Quỳnh, Đặng Hằng… Trước đó nữa, NXB Kim Đồng cũng cùng lúc giới thiệu đến độc giả 3 tác phẩm thuộc thể loại này của các tác giả trẻ như Những người bạn của Kathy (Thu Hà), Những hốc nhà bí hiểm (Hàn Băng Vũ) và Nhóc tì nhà rối rắm (Nguyễn Thị Kim Ngân).
Nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp, tác giả của 2 cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại fantasy, từng đoạt giải Văn học tuổi 20 là UREM - Người đang mơ và Yagon - Những kẻ vô cảm, cho rằng mình không thuộc về thiểu số, bởi vì có nhiều bạn văn và độc giả của thế hệ 9X cũng gắn bó với thể loại fantasy một cách rất tự nhiên.
Phạm Bá Diệp lý giải: “Đơn giản vì đây là dạng “văn hóa” đang thống trị ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, gần gũi và thân thuộc với những người trẻ. Ngay thời điểm hiện tại, rất nhiều bộ phim có doanh thu “khủng” từ Disney hiện nay đều được xếp vào thể loại fantasy. EA, Blizzard Activision và các hãng phát hành game lớn khác cũng ưa chuộng đề tài này. Trong lĩnh vực sách, các thương hiệu quen thuộc với giới trẻ trong 10 năm gần đây như Harry Potter, Percy Jackson, hoặc các sáng tác của George R.R. Martin… đều gặt hái được thành công về cả doanh thu lẫn sức ảnh hưởng với giới trẻ”.
Với sự mới mẻ cùng đặc trưng của thể loại, nên khi nói đến fantasy Việt Nam, nhiều người vẫn thường cho đó là cuộc thử sức của những tác giả trẻ. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Đình Tú, thể loại này là cuộc thử sức của bất cứ nhà văn nào thấy mình còn có sức để thử. Anh bày tỏ: “Tôi không nghĩ dòng sách này độc quyền của các tác giả trẻ. Anh Nguyễn Nhật Ánh từng viết Chuyện ở xứ Langbiang, chị Phan Hồn Nhiên cũng ra cả seri thể loại này và khi viết chúng họ đều đã bước vào hoặc qua tuổi 40. Trên thế giới, người viết ra bộ Harry Potter nổi tiếng cũng đã khá nhiều tuổi, còn tác giả của Chú bé cưỡi rồng thì lại đang ở tuổi thiếu niên. Điều đó cho thấy trí tưởng tượng phong phú của nhà văn sẽ làm nên những tác phẩm fantasy hấp dẫn bạn đọc chứ không phải sức trẻ của người viết làm nên được điều này”.
Thách thức trên sân nhà
Nhà văn Phong Điệp cho rằng đang có sự lép vế giữa tác phẩm nội và ngoại. Theo chị: “Kể từ khi “cơn bão” Harry Potter đổ bộ vào Việt Nam, lần đầu tiên chứng kiến cảnh những đoàn người xếp hàng dài cả giờ đồng hồ chờ đợi để được sở hữu những cuốn sách đầu tiên trong bộ truyện đình đám này, xuất bản cùng thời điểm với hàng loạt quốc gia khác, thì tôi hiểu là làn sóng truyện giả tưởng ngoại sẽ ùa vào Việt Nam một cách nhanh chóng. Điều đó đã thành sự thật với sự xuất hiện tràn ngập của hàng loạt tác phẩm ăn khách, được độc giả nhiều nước “đóng dấu chất lượng”. Nhiều đến mức thật khó mà có thể kể hết ra đây, tiêu biểu như: Chúa tể của những chiếc nhẫn, Tim mực, Mật mã Phù thủy, Ulysess Moore, hay các bộ truyện của Percy Jackson...”.
“Đa số các nhà văn Việt Nam quan niệm rằng, văn chương đúng nghĩa không phải là những dòng sách như fantasy, trinh thám, ngôn tình, kinh dị, chưởng… Cho nên không nhiều người muốn theo đuổi những tác phẩm dạng này. Không có nhiều người viết thì đương nhiên sẽ ít tác phẩm và không gặt hái được thành tựu, hay nói cách khác là chưa tạo được dấu ấn tích cực trong nền văn học đương đại. Trong khi đó, chúng ta lại có một lượng công chúng lớn rất thích đọc các dòng này và họ buộc phải tìm đến các tác phẩm của nước ngoài. Đây là điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và để bắt tay vào viết tiểu thuyết fantasy thì điều đầu tiên tôi phải làm là thay đổi quan niệm về văn chương”, nhà văn Nguyễn Đình Tú phát biểu. |
Theo nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp, fantasy không xa lạ với độc giả trong nước, thậm chí còn rất quen thuộc nếu nhìn vào sự thống trị của các tựa sách fantasy từ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xét trong dòng chảy văn học chính thống tại Việt Nam, thì quả thực fantasy Việt còn đang rất mới mẻ, rất vất vả tìm chỗ đứng cho mình. Điều này dẫn đến 2 thách thức cho các tác giả Việt khi chọn lựa gắn bó với dòng sách fantasy: Cạnh tranh được với các tác phẩm nước ngoài ngay tại sân nhà và phải có được sự công nhận từ các tủ sách, nhà xuất bản, cuộc thi, giải thưởng… của dòng chảy văn học chính thống.
Phạm Bá Diệp chia sẻ: “Hành trình fantasy Việt còn rất dài và với góc độ một người yêu mến dòng văn học này, tôi mong mỏi sẽ sớm có những tác giả, tác phẩm tạo được tiếng vang bằng những sáng tác fantasy chuẩn mực, có sức hấp dẫn lớn để tạo dựng được cộng đồng độc giả vững chắc. Và quan trọng hơn hết, là có sự sáng tạo đặc sắc, không vay mượn, tách biệt được với những phong cách viết của Trung Quốc như tiên hiệp, xuyên không...”