Văn học nghệ thuật Cà Mau đã nở rộ những mùa hoa tươi thắm

LTS:
Văn học nghệ thuật Cà Mau đã nở rộ những mùa hoa tươi thắm

LTS: Văn học nghệ thuật (VHNT) Cà Mau hiện nay được nhiều người biết đến với nhiều tên tuổi danh tiếng trong cả nước như Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trọng Tín, Lê Đình Trường, Đỗ Tuyết Mai, Lê Minh Hiền… Để giúp bạn đọc hiểu nhiều hơn về “khu vườn” VHNT Cà Mau, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau.

* PV: Xin nhà văn cho biết những bước trưởng thành của VHNT Cà Mau trong thời gian qua?

* Nhà văn NGUYỄN THANH: VHNT Cà Mau từ 20- 30 hội viện vào thời điểm Đại hội VHNT lần thứ nhất của tỉnh vào năm 1964 trong vùng giải phóng, đến nay đã có 240 hội viên, trong đó có 110 hội viên chuyên ngành Trung ương, 6 nghệ sĩ ưu tú, hình thành 9 chuyên ngành VHNT, một hội kiến trúc sư nằm trong Hội VHNT…

Văn học nghệ thuật Cà Mau đã nở rộ những mùa hoa tươi thắm ảnh 1

Mặc dù đời sống VHNT ở một tỉnh xa những trung tâm văn hóa lớn nhưng Cà Mau đã hòa nhập vào đời sống VHNT của khu vực, quốc gia và quốc tế.

* Những tác giả, tác phẩm để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc, người xem của giới VHNT Cà Mau khá nhiều và đều đặn trong nhiều thập kỷ qua. Anh có thấy vậy không?

* Đội ngũ sáng tác của Cà Mau được lớn lên từ kháng chiến như: Lê Chí, Nguyễn Bá, Mạc Văn Chi, Nguyễn Hải Tùng, Nguyễn Kiên Định, Nguyễn Xuân Bắc, Thanh Minh, Nguyễn Thanh… Đó là lớp người đặt những “viên gạch” xây dựng cho văn học Cà Mau. Sau lớp người đó, đến nay Cà Mau đã có đội ngũ sác tác văn học trẻ kế thừa với nhiều gương mặt mới như: Lê Đình Trường, Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Tín, Ngọc Tư, Đỗ Tuyết Mai, Lê Minh Hiền, Hoàng Anh Việt, Quang Thắng…

Văn học Cà Mau đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu như: Mối tình năm cũ (truyện) của Nguyễn Mai, Đất Viên An (trường ca) của Nguyễn Bá, Từ trái tim em (thơ) của Nguyễn Hải Tùng, Thập giá gỗ (truyện) của Lê Đình Trường, Cỏ dại (truyện) của Đỗ Tuyết Mai, Ngọn đèn không tắt (truyện) của Nguyễn Ngọc Tư…

Sân khấu có những tác giả, tác phẩm: Nguyễn Hải Tùng, Lâm Tường Vân, Bảo Nam, Trọng Nguyễn, Anh Đạo, Huỳnh Hảnh, Kim Chi… Những tác phẩm nổi tiếng như: Giọt máu oan cừu (cải lương) của Trọng Nguyễn, Dưới ngọn cờ hòa bình (cải lương) và công trình nghiên cứu về đờn ca tài tử Nam bộ của Lâm Tường Vân, Ngọn lửa hờn (cải lương) của Bảo Nam, Oanh và Ngọc (cải lương) của Anh Đạo, Thầm lặng giữa cuộc đời (cải lương) của Huỳnh Khánh…

Nhiếp ảnh có những tác giả đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Những điểm sáng của Trương Hoàng Thêm, Ngôi nhà của chúng em của Lê Nguyễn, Hòa bình – tuổi thơ của Tạ Hoàng Nguyên… Trong lĩnh vực mỹ thuật thì có các tác giả như: Lý Cao Tấn, Lê Công Uẩn, Lê Việt Hồng, Ngô Thanh Hùng, Lý Phước Như… Lĩnh vực âm nhạc có các tác giả như: Hoàng Bửu, Võ Văn Yên, Trần Thanh Hòa, Trần Thanh Toàn…

Ngoài ra, lĩnh vực kiến trúc, từ chỉ có 1 kiến trúc sư năm 1983, nay đã có 42 hội viên, trong đó có 19 hội viên chuyên ngành Trung ương. Kiến trúc sư Cà Mau đã tự tin, đủ sức tham gia nhiều công trình lớn. Các lĩnh vực như điện ảnh, văn nghệ, dân gian lần lượt hình thành và phát triển, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Tuy “vườn” VHNT Cà Mau còn nhiều hạn chế, nhưng khu vườn này cũng đã nở rộ những mùa hoa tươi thắm.

* Xin cảm ơn nhà văn. 

NGUYỄN DANH


Cà Mau trong tôi

“Văn hay Chữ tốt” là cuộc thi do Báo SGGP tổ chức và Prudential độc quyền tài trợ. Năm nay Cà Mau là tỉnh đăng cai tổ chức cuộc thi khu vực 13 tỉnh, thành Nam bộ. Trang VHVN chủ nhật này, chúng tôi trích đăng một đoạn bài viết đoạt giải nhất tỉnh Cà Mau của em Lâm Thị Kim Trang, Trường THCS Tân Hưng Tây, Phú Tân, Cà Mau.


...Nhắc đến Cà Mau chắc hẳn ai cũng nhớ đến sự chằng chịt của sông ngòi!? Sông quê tôi sông mang một nét đẹp riêng mà có lẽ tôi sẽ không tìm thấy ở bất cứ đâu! Hãy đến đây mà lắng nghe tiếng mái chèo khua nhẹ lướt vào mỗi buổi sớm mai. Sông như rộn ràng, như hội tụ bao cuộc mưu sinh của những con người gắn bó thân thiết với mảnh đất này.

Các chú, các bác thợ chài khẽ tung chài xuống rồi gương mặt hớn hở khi chài đầy những con cá, con tôm béo mập! Còn các chị, các cô thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba đang nhẹ nhàng khua chèo lướt sóng. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả khắp mặt sông.

Các chị vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc khi được đem những đặc sản quê mình ra chợ bán. Ít rau quả, ít cá mắm, tới những chiếc bánh được gói tỉ mỉ công phu… ở vườn nhà. Tất cả đều họp về chợ.

Chợ họp ở mặt sông – người ta gọi đó là chợ nổi. Còn những đứa trẻ con chúng tôi hay ngụp lặn dưới sông mỗi khi trời nắng nóng. Chúng tôi vui đùa, nghịch ngợm bên nhau. Sông cũng vui đùa nghịch ngợm với chúng tôi.

Sông ôm chúng tôi vào lòng nhẹ nhàng, trìu mến như một người mẹ đối với đàn con thơ. Quên làm sao những buổi tối sáng trăng được thả hồn theo sông nước. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu xuống lấp lánh ở mặt sông. Cũng chính những đêm trăng như thế mà nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã có nguồn cảm hứng sáng tác!

Sông quê tôi – sông không những đẹp, không những thơ mộng mà dòng sông còn chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng. Những cánh đồng được thế cứ xanh xanh, cứ trĩu hạt. Yêu sao những khi được cùng mẹ ra đồng.

Đi trên những con đê, được nghe mùi thơm của lúa chín thì thấy trong lòng lâng lâng một cảm giác khó tả. Và không gì thích bằng khi được ở trong những ruộng dưa hấu, dưa gang…

Cũng chính vì thế mà bọn trẻ chúng tôi thường hay ra những ruộng ấy để bẻ quả. Ngồi giữa ruộng, bẻ một quả dưa hấu, xẻ ăn tại chỗ, vị ngọt mát của dưa, hương thơm thoang thoảng của lúa chín, hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị kỳ lạ và vô cùng đặc biệt…

Những buổi chiều tà các cô chú thường hay rủ nhau bắt cá đồng rồi nướng lên. Những con cá lóc nướng vàng ươm, thơm phức cứ làm cho tôi luyến nhớ. Thêm một chén mắm gừng và vài cọng rau sống thì thật là hết ý. Ngồi đây ta có thể nhìn thấy một lớp sóng biển lăn tăn lạ kỳ. Đó là cánh đồng bạt ngàn khi có gió!

Không những chỉ có sông có đồng mà biển quê tôi còn rất đẹp. Tôi yêu lắm cái hoàng hôn trên biển! Và yêu lắm cái chất phác của con người nơi đây!...

Tin cùng chuyên mục