Sáng 4-10, tại TPHCM, đã diễn ra lễ bế mạc hội thảo “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các đồng chí lãnh đạo trung ương và TPHCM, cùng nhiều nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ trên cả nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các đại biểu dự hội thảo
Góc nhìn đa dạng
Trong bản tổng kết về hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương cho biết, hội thảo đã thu hút hầu hết các nhà khoa học đầu ngành; các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình ở các hội chuyên ngành Trung ương; các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ; các cán bộ chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ cùng nhiều cơ quan báo chí, xuất bản, nhiều văn nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo trong cả nước. Chính từ sự đa dạng này, các đại biểu đã đưa ra các lý giải đa chiều, các thông tin cập nhật liên quan đến đời sống xã hội và đời sống VHNT hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh cho biết các tham luận tại hội thảo đã nhìn nhận thẳng thắn, trong bối cảnh tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường, sự tăng cường chống phá của những lực lượng cơ hội, thù địch với âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng đã làm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở nhiều ngành, nhiều cấp do thiếu tu dưỡng rèn luyện; mất cảnh giác, sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, lối sống hưởng lạc, buông thả, xa rời thực tế; kèn cựa, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, giảm sút ý chí chiến đấu, thậm chí vi phạm pháp luật… từ đó làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tại hội thảo, dù có nhiều ý kiến trái ngược về vai trò của VHNT đối với thực trạng suy thoái của nhân cách, nhưng có một ý kiến được tán đồng là hiện nay thành tựu về văn hóa, VHNT chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn, chênh lệch lớn vùng đồng bằng. Một thực tế nghiêm trọng khác cũng đang diễn ra là tình trạng thiếu lành mạnh, tiếp thu ào ạt không lựa chọn các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật từ nước ngoài dẫn đến rối loạn, làm mất đi bản sắc dân tộc Việt Nam.
Không chỉ ở hướng tiếp cận, hướng sáng tác cũng đang có những mặt tiêu cực. Một số trường hợp người sáng tác vì nhiều lý do chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, xấu xa của cuộc sống hiện tại. Thậm chí có tác giả bị các thế lực cơ hội, thù địch lôi kéo đã sáng tác các tác phẩm xuyên tạc, bóp méo lịch sử hay truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.
Chuẩn mực để xây dựng nhân cách
Để xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Việt Nam, điều được nhấn mạnh nhất là việc phải có một chuẩn mực về đạo đức, nhân cách và lối sống của con người Việt. Ở khía cạnh này, cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu VHNT là nhìn thấy các mặt ưu cũng như khuyết và điều quan trọng nhất là thấy mặt khuyết để sửa chữa chứ không phải để chê bai, tự ti. Sớm khắc phục tình trạng đề cao quá mức chức năng giải trí, tôn sùng chủ nghĩa hình thức dẫn đến “lệch chuẩn” trong các loại hình VHNT. Kịp thời phát hiện, cổ vũ những tác phẩm hay viết về đạo đức, nhân cách con người.
Phát biểu tại lễ bế mạc hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Kết quả cuộc hội thảo khoa học này sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong xây dựng con người và môi trường văn hóa. Đáng lo ngại nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội.
Đề cập đến vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp, Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta cần phát huy ưu thế đặc thù của văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ cao cả là xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn nghệ sĩ không chỉ là chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp; thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở gìn giữ, phát huy những giá trị của VHNT dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đội ngũ các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ có sứ mệnh cao quý là chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chủ tịch nước mong muốn các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ mắt sáng, lòng trong, có tài năng nghệ thuật và khát vọng sáng tạo mãnh liệt, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, trực tiếp bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
|
Tường Vy