Văn học thiếu nhi Tây Nam bộ khởi sắc

Những năm gần đây, văn học thiếu nhi của miền Tây Nam bộ đang có những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là sự tham gia của nhiều cây bút trẻ đã tạo nên những tác phẩm bất ngờ, thú vị cho các em nhỏ.
Một số nhà văn trẻ nổi bật của miền Tây Nam bộ giao lưu cùng độc giả thiếu nhi trong chương trình Những trang văn lấp lánh phù sa do NXB Kim Đồng tổ chức. Ảnh: NHIÊN HƯƠNG
Một số nhà văn trẻ nổi bật của miền Tây Nam bộ giao lưu cùng độc giả thiếu nhi trong chương trình Những trang văn lấp lánh phù sa do NXB Kim Đồng tổ chức. Ảnh: NHIÊN HƯƠNG

Những thế hệ tiếp nối

Văn học thiếu nhi của miền Tây Nam bộ từng tạo được dấu ấn với những tên tuổi như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức; về sau có Nguyễn Thị Thanh Huệ, Mai Bửu Minh, Hoàng Mai Quyên, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Tùng Chinh, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt… Thời điểm hiện tại cũng đang có một thế hệ tiếp nối trẻ và tiềm năng gồm: Trương Chí Hùng, Lê Quang Trạng, Phát Dương, Nguyễn Chí Ngoan…

Năm 2023 có lẽ là một năm “được mùa” của văn học thiếu nhi khu vực này khi xuất hiện nhiều tác phẩm ấn tượng thuộc các thể loại khác nhau. Mở đầu là Phát Dương (Cần Thơ) với truyện dài 100 cửa sổ, viết về hành trình phiêu lưu ly kỳ, hài hước có thêm yếu tố kỳ ảo; sau đó là hàng loạt tác phẩm của các tác giả ở An Giang như: Sống cùng nước (Trương Chí Hùng), Cá linh đi học (Lê Quang Trạng), Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào (Trần Tùng Chinh), Thiên thần Ốc Tiêu (Võ Diệu Thanh), Chiều chiều quạ nói với diều (Giai Du); và Căn cước U Minh (Nguyễn Chí Ngoan, Kiên Giang)…

“Với lợi thế đẫm đầy không gian thiên nhiên, sông nước và lịch sử khẩn hoang mở cõi, miền Tây Nam bộ là không gian gợi mở, mang đến nhiều lợi thế cho các tác giả nơi đây có thể sáng tác văn học thiếu nhi với những chất liệu rất riêng, đặc biệt là ở thể loại đồng thoại”, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

Vừa qua, NXB Kim Đồng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với các nhà văn thiếu nhi khu vực Tây Nam bộ tại tỉnh An Giang. Theo nhà văn Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, cuộc gặp bên cạnh việc phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, còn nhằm tạo cơ hội để các nhà văn trẻ khu vực có dịp trao đổi về xuất bản tác phẩm, đồng thời khơi gợi tinh thần sáng tác cho trẻ em. “Theo quan sát của chúng tôi, văn học thiếu nhi miền Tây Nam bộ những năm gần đây đang có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng An Giang đã có đến 20 cây viết trẻ đã và đang viết cho thiếu nhi, đây thật sự là con số mơ ước với rất nhiều địa phương, cho thấy tiềm năng sáng tác cho thiếu nhi ở khu vực đang rất mạnh mẽ…”.

Cần một giải thưởng văn học thiếu nhi ở ĐBSCL

Tháng 9 vừa qua, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng là đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Văn học châu Á lần thứ 5-2023 tổ chức tại Gwangju (Hàn Quốc). Khi chia sẻ đến bạn bè trong nước cũng như khu vực, anh không giấu niềm tự nào khi khu vực Tây Nam bộ từng có một lớp nhà văn lớn, và họ có một sự quan tâm sâu sắc đến văn học thiếu nhi. Đặc biệt, những tác phẩm của họ vừa phục vụ cho thiếu nhi, lại vừa chở được hồn cốt văn hóa để làm cội rễ bám chặt vào lòng độc giả. “Tôi cảm giác, vùng đất này dư dả những câu chuyện, cảm hứng và nguồn tác giả để đóng góp nên một nền văn học thiếu nhi lớn mạnh”, Lê Quang Trạng bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Lê Quang Trạng, có vẻ như không khí văn học thiếu nhi ở vùng đất này vẫn còn “hiền” và khá lặng lẽ. Ngoài các tác phẩm kinh điển như Đất rừng phương Nam, Dòng sông thơ ấu được độc giả nhiều thế hệ ghi nhận, đến nay văn học thiếu nhi Tây Nam bộ vẫn chưa tìm thấy tác phẩm vượt trội so với “bóng của những ngọn núi” trước đây. Điều đó đáng để chúng ta suy ngẫm và tìm cách gầy dựng phong trào.

Nhà văn trẻ Nguyễn Chí Ngoan thì cho rằng, không khí sáng tác cho thiếu nhi ở khu vực Tây Nam bộ đang rất sôi động, bằng chứng là ngày càng có nhiều tác giả viết cho thiếu nhi và nhiều tác phẩm ra mắt độc giả. Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi viết cho thiếu nhi đang diễn ra, thu hút được nhiều tác giả tham gia. Đó cũng chính là động lực để anh và các tác giả tiếp tục viết cho thiếu nhi.

Hiện nay, hàng năm, 13 Hội VHNT khu vực ĐBSCL thường luân phiên tổ chức các cuộc thi như: truyện ngắn, thơ, bút ký… nhưng vẫn chưa có cuộc thi nào dành cho văn học thiếu nhi. “Tôi nghĩ rằng, nếu có cuộc thi dành riêng cho văn học thiếu nhi ở ĐBSCL thì sẽ thu hút hơn nữa các tác giả viết cho thiếu nhi, vì thiếu nhi, để các em biết thêm nhiều về lịch sử, văn hóa và con người miền Tây”, nhà văn trẻ Nguyễn Chí Ngoan đề xuất.

Trước đề xuất này, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng nói thêm: “Văn học ĐBSCL nói chung và một “gò đất đang nổi lên” của văn học thiếu nhi ở miền châu thổ hết sức hào sảng này sẽ thành “cồn bãi, cù lao” xanh tốt trù phú hay không, phụ thuộc vào sự bồi tụ từ hôm nay bằng từng “hạt phù sa”, trong đó có những “hạt phù sa” được gieo hái từ các cuộc thi”.

Tin cùng chuyên mục